1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Mời nhà khoa học “hiến” giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển Cửa Đại

(Dân trí) - Ngày 24/12, tại TP Hội An, chính quyền tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo ĐH Thủy lợi mời hàng chục nhà khoa khọc của các Viện Nghiên cứu, trường ĐH trong và ngoài nước hiến kế các giải pháp nhằm chống sạt lở bờ biển Cửa Đại.

Cửa Đại là nơi các dòng sông Thu Bồn, Trường Giang đổ ra biển, đồng thời đây cũng là ngả ra biển của hàng chục ngàn ngư dân các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An… với hàng ngàn tàu thuyền khai thác hải sản. Cửa Đại rộng hơn 1.000m nhưng hiện đã bị bồi lấp 600m. Cửa biển hướng bắc ra Cù Lao Chàm cũng bị bồi lấp dài hơn 2.000m. Trong khi đó, bờ biển Cửa Đại dài hơn 3km đang bị sạt lở nặng nề, khiến các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang xây dựng và hoạt động tại đây bị uy hiếp, một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang.

GS.TS. Nguyễn Quang Kim – Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi phát biểu với các nhà khoa học
GS.TS. Nguyễn Quang Kim – Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi phát biểu với các nhà khoa học

Giám  đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Phú cho biết: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu mạnh nên vùng biển Hội An bị biến động sạt lở nhanh chóng; đặc biệt là khu vực phường Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng lớn của TP Hội An. Con đường ven biển Âu Cơ trước đây bãi biển cách đường hơn 200m thì nay tình trạng sạt lở đã tiến sát chỉ còn cách đường vài mét và có khả năng cuốn trôi nhiều bãi biển, khu tắm biển đẹp dọc con đường này.

“Trong khi chờ đợi các giải pháp của các cơ quan chức năng ở tỉnh và Trung ương thì các khu nghỉ dưỡng tại đây đang phải tự bảo vệ tài sản của mình nếu không muốn bị nước biển cuốn trôi. Tuy nhiên, điều đáng nói là mỗi khu nghỉ dưỡng tại đây có một cách làm riêng để chống lại sự xâm thực của biển. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc là tùy khả năng của doanh nghiệp nên hiệu quả hầu hết không cao. Vì thế, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đang rất cần những ý kiến đề xuất các giải pháp để giúp địa phương đối phó có hiệu quả với sạt lở, xâm thực của biển hiện nay tại đây”, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều đánh giá, đề xuất các giải pháp giúp địa phương đối phó, ngăn chặn nạn sạt lở, xâm thực tại bãi biển Hội An nói chung và Cửa Đại nói riêng. TS. Lê Đình Mầu (Viện Hải dương Học Nha Trang - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đề xuất Quảng Nam một số giải pháp khả thi có thể áp dụng ngay.

Khu vực biển Cửa Đại đang sạt lở nghiêm trọng mà chưa có giải pháp cụ thể để hạn chế
Khu vực biển Cửa Đại đang sạt lở nghiêm trọng mà chưa có giải pháp cụ thể để hạn chế

Đó là giải pháp trồng rừng phòng hộ dải ven bờ phía bắc Cửa Đại (thuộc phường Cửa Đại, TP Hội An) nhằm chắn cát bay, chống xói lở, tạo cảnh quan. Còn bờ phía nam (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) cũng nên trồng rừng phòng hộ.

Ngoài ra, thiết kế, xây dựng hệ thống kè phá sóng xa bờ tại bờ bắc Cửa Đại với mục tiêu bảo vệ bờ và tạo bãi tắm (dạng tombolo); xây dựng hệ thống kè kiên cố (tường biển) dọc bờ nam Cửa Đại nhằm bảo vệ và hình thành đường giao thông hoặc xây dựng hệ thống kè chắn sóng xa bờ tương tự ở bờ bắc Cửa Đại.

Còn PGS.TS. Thiều Quang Tuấn (Khoa Kinh tế biển, ĐH Thủy lợi) thì cho rằng cần xác định rõ nguyên nhân và loại xói lở để đưa ra các giải pháp phù hợp (giống như căn nguyên bệnh để chữa bệnh), từ đó nghiên cứu thiết kế quy hoạch một hệ thống công trình bảo vệ bờ đa chức năng và hài hòa với môi trường.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thì cho rằng xói lở và bồi tụ là một trong những thiên tai nặng nề nhất ở dải ven biển, gần đây đang có xu thế tăng lên trên toàn bộ dải ven biển Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực bờ biển của TP Hội An.

Khu vực biển Cửa Đại đang sạt lở nghiêm trọng mà chưa có giải pháp cụ thể để hạn chế
Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để gia cố kè nhưng sau mùa mưa bão, bờ kè lại bị sóng biển cuốn trôi

Trước kia bờ biển Hội An đã ổn định, thậm chí lấn ra biển trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các đập thủy điện và thủy lợi xây dựng trên thượng nguồn các con sông đổ ra khu vực bờ biển Hội An, đặc biệt là sông Thu Bồn, đã chặn một lượng rất lớn bùn cát do các con sông tải ra biển. Do thiếu hụt cát cung cấp cho khu vực bờ biển, hiện tượng xói lở bờ biển đã và đang xảy ra dữ dội tại khu vực bờ biển TP Hội An.

PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng vấn đề thiếu hụt bùn cát tại bãi biển Hội An không thể giải quyết được do các đập thủy điện tại thượng nguồn sông Thu Bồn không có thiết bị xả cát. Vì vậy để hạn chế xói lở tại bờ biển Hội An cần tiến tới ổn định bãi biển.

Theo đó, địa phương cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam phục vụ bất cứ mục tiêu gì; xây dựng và thực hiện các dự án nghiên cứu, xác định rõ quá trình vận chuyển bùn và nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An; sử dụng kè lát mái với độ dốc 1:3 hoặc 1:4 có mấu phá sóng để bảo vệ khu vực tắm Cửa Đại; nghiên cứu sử dụng công trình bảo vệ mặt của Nhật Bản.

Cùng với các giải pháp trên, các nhà khoa học cũng cho rằng Quảng Nam và Hội An cần có các công trình nghiên cứu về nguyên nhân gây sạt lở mới có giải pháp phòng chống hiệu quả và bền vững; trong đó đặc biệt là giải pháp nghiên cứu tổng thể xây dựng kè chống sạt lở bờ biển khu vực Hội An; nghiên cứu kỹ các điều kiện về địa hình, địa chất, thủy văn cũng như chế độ gió, dòng chảy của bờ biển Hội An và các vùng phụ cận để xác lập các cơ sở khoa học về nguyên nhân, các nhân tố gây nên biến động đường bờ tại vùng biển Hội An và vùng phụ cận như hiện nay; đề xuất các giải pháp chỉnh trị tổng thể để ổn định vùng cửa sông, vùng ven biển phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển bền vững tại đây; đề xuất giải pháp kỹ thuật khả thi chống biển xâm thực, ổn định các khu dân cư dọc theo vùng ven biển, cửa sông...

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam đề xuất giải pháp tổng thể và nguồn vốn đầu tư đồng bộ cho toàn bộ tuyến kè tại bờ biển Hội An; trong đó có vốn từ Trung ương, tỉnh, địa phương và sự đóng góp của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ven biển. Với mục tiêu tạo ra bãi biển để phục vụ du lịch đảm bảo ổn định và bền vững; phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan phục vụ với phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực... lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang mong chờ các nhà khoa học đưa ra giải pháp để “chống” lại các con sóng biển đang hàng ngày “gặm” vào bờ.

Công Bính