TPHCM:
Mở đường xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ
(Dân trí) - Đường Lâm Viên - Đồng Đình dài 3,5km và chiếm khoảng 6,4 ha đất rừng ngập mặn. Trong tương lai, tuyến đường này góp phần phát triển du lịch đường sông, du lịch sinh thái huyện Cần Giờ.
Theo UBND huyện Cần Giờ, dự án đường Lâm Viên - Đồng Đình đã được thành phố phê duyệt chủ trương với tổng vốn đầu tư gần 190 tỷ đồng. Tuyến đường này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp 3, dài 3,5 km, mặt cắt ngang rộng 17m, nền đường láng nhựa rộng 6 m với 2 làn xe.
Về đánh giá tác động môi trường, việc xây dựng tuyến đường này sẽ làm giảm diện tích thảm thực vật che phủ dẫn đến dễ xói lở khu vực tuyến đường đi qua. Đáng chú ý, sẽ có khoảng 18.600 cây bần trắng, cóc trắng, dà quánh, đước… bị đốn hạ, với tổng diện tích khai thác rừng lấy đất làm đường khoảng 6,4 ha. Theo đó, cộng đồng sinh vật rừng ngập mặn Cần Giờ bị chia cắt do hình thành tuyến đường, ánh sáng, tiếng ồn, độ rung bởi phương tiện di chuyển sẽ làm một số loài động vật rời khỏi nơi cư trú; ranh giới xâm nhập mặn sẽ vào sâu hơn do mất thảm thực vật che phủ…
Tuy nhiên, theo UBND huyện Cần Giờ, tuyến đường này sẽ góp phần phát triển du lịch đường sông, du lịch sinh thái của địa phương. Tăng giá trị khai thác dịch vụ du lịch tại các địa danh như chiến khu Rừng Sác, khu di tích khỉ Giồng Cá Vồ, du ngoạn sinh thái dưới tán rừng trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Đưa hàng hóa ra vào khu nuôi trồng thủy sản Long Hòa, góp phần giúp nhiều hộ dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, để bù diện tích rừng khai thác làm đường, huyện Cần Giờ đề xuất phương án trồng rừng thay thế với diện tích trồng trả rừng khoảng 6,4 ha tại tiểu khu An Phước thuộc rừng phòng hộ Cần Giờ. Dự kiến, trồng rừng thay thế sẽ thực hiện ngay trong năm nay.
Rừng ngập mặn Cần Giờ rộng hơn 37.000 ha, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú cả về chủng loài và số lượng loài. Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Quốc Anh