"Mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo"

Hoài Thu

(Dân trí) - Báo chí phải tăng khả năng cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác, vì thực tế khi mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Thực tế này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra để nhắn nhủ tới báo chí thông điệp "cần nâng cao chất lượng nhằm cạnh tranh với các phương tiện khác".

Dự Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng 21/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang góp ý nhiều vấn đề cho hoạt động của báo chí khi vừa trải qua một giai đoạn với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài.

"Tôi mong các nhà báo phải là người tử tế"

Khái quát chung, Phó Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn ấy, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng và khó quên. "Thành tích đạt được chưa thể như mong muốn, nhưng cũng đủ làm ấm lòng để chúng ta để bước tiếp chặng đường", theo Phó Thủ tướng.

Về công tác báo chí, lãnh đạo Chính phủ khái quát trong nhận định "tốt hơn năm trước rất nhiều", đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nhanh hơn, kịp thời hơn.

Mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo - 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

Phó Thủ tướng kể có những hội nghị ông tham dự, nhưng chỉ 15 phút sau đã thấy báo chí đưa tin tức. Không chỉ vậy, có nhiều tác phẩm, phóng sự báo chí sâu sắc, xúc động lấy được nước mắt của nhiều người.

Đánh giá khả năng cạnh tranh của báo chí có tiến bộ, công tác quản lý ngày càng chuẩn mực, song Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng vẫn còn sai phạm, vẫn còn những bài báo thiếu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi số trong báo chí còn chậm khi số lượng cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức kém còn tới 63%.

Nhận định khó khăn trong năm tới còn rất nhiều, diễn biến tình hình thế giới khó đoán định, Phó Thủ tướng chỉ ra 2 vấn đề là biến đổi khí hậu nhanh, bất ngờ và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (như ChatGPT, công nghệ Al…) đang ảnh hưởng lớn đến người làm báo.

Phó Thủ tướng nhắc các cơ quan báo chí và người làm báo cần đồng hành tốt hơn, kịp thời hơn, chia sẻ khó khăn với số đông mọi người trong xã hội, trách nhiệm hơn trong định hướng dư luận.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cần sắp xếp lại, tổ chức theo hướng mạnh hơn, gọn hơn, chuyên nghiệp hơn để sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn.

Nhắc đến chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nói ông bất ngờ khi có tới 63% cơ quan báo chí chuyển đổi số yếu. Việc này không nằm ở phần cứng hay phần mềm, mà theo Phó Thủ tướng, nằm ở ý chí người đứng đầu.

Phó Thủ tướng định hướng báo chí phải tăng cường chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác. "Khi mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo điện tử", ông Quang nêu thực tế.

Mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo - 2

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

Phó Thủ tướng cũng lưu ý nếu không cạnh tranh, tỷ lệ quảng cáo của báo chí sẽ sụt giảm.

"Điều đó gắn liền với chi phí hoạt động, đời sống của anh em và nhiều vấn đề khác liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền", ông Quang nói không có cách nào khác là báo chí phải hay hơn, hấp dẫn hơn để tăng tỷ lệ quảng cáo.

Với nhà báo, Phó Thủ tướng mong các nhà báo trước hết phải là người tử tế, vì nếu không là người tử tế, tác phẩm của nhà báo không thể tử tế được.

Bên cạnh đó, các nhà báo phải luôn học hỏi để nâng cao bản lĩnh, chuyên nghiệp hơn và tích cực hơn.

Về tài chính báo chí, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần có sự hài hòa giữa ngân sách Nhà nước với phần ngân sách cơ quan báo chí tự lo liệu, với nguyên tắc "sống được nhưng không triệt tiêu sự phấn đấu, vươn lên của các cơ quan báo chí".

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm công tác tài chính cho cơ quan báo chí để thúc đẩy, khuyến khích báo chí hoạt động tốt hơn.

Cần thay đổi tư duy "báo chí là lực lượng mình phải tránh"

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá thời gian qua, công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách đã được quan tâm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quyết liệt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch.

Mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo - 3

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (Ảnh: Hồng Phong).

Không nhắc lại những kết quả quan trọng đã được nêu trong báo cáo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra thực tế một bộ phận nhỏ những người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, tự cho mình quyền lực dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân và có hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến có người bị bắt truy tố, có người bị xử lý, đình chỉ.

"Doanh nghiệp hay cá nhân nào làm sai quy định của pháp luật thì báo chí phải đấu tranh quyết liệt, đấu tranh tới cùng để chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần không có vùng cấm, nhưng phải viết đúng, nói đúng", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông phân tích mỗi lần báo chí viết sai sẽ khiến doanh nghiệp mất uy tín, tốn hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Đó là điều rất nguy hiểm.

Theo ông Nghĩa, tuần nào các cơ quan quản lý báo chí cũng nhận kiến nghị từ các cơ quan, tổ chức về việc báo chí viết sai làm ảnh hưởng đến họ.

"Nhiều lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thậm chí Bí thư tỉnh ủy nửa đêm gọi điện cho tôi phản ánh về hoạt động của báo chí", lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương kể.

Định hướng hoạt động trong năm 2024, ông Nghĩa nhấn mạnh báo chí cần nhìn nhận rõ hơn tồn tại, quyết liệt trong khắc phục thiếu sót.

Nhấn mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, song theo ông Nghĩa, phải giữ kỷ cương, kỷ luật.

Mở điện thoại ra, người ta thích lướt TikTok, Facebook hơn đọc báo - 4

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm công tác tài chính cho cơ quan báo chí để thúc đẩy, khuyến khích báo chí hoạt động tốt hơn (Ảnh: Hồng Phong).

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh vai trò của cấp ủy và cho rằng cấp ủy cần đổi mới tư duy, coi báo chí là công cụ, lực lượng, cánh tay để lãnh đạo.

Dù vậy, một số cơ quan còn xem báo chí là "lực lượng mình phải tránh". Theo ông Nghĩa, chính vì thực trạng các cơ quan không kịp thời cung cấp thông tin khiến báo chí phải tìm thông tin không rõ ràng ở nơi khác, khiến người dân hoang mang.

Vì thế, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan, địa phương cần chú ý vấn đề này.

Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh việc quy hoạch giúp nâng cao chất lượng báo chí, không phải quy hoạch gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của báo chí.