1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cơ quan báo chí phải là KOL trên các nền tảng mạng xã hội

PV

(Dân trí) - Có những lợi thế hơn rất nhiều so với các nhà sáng tạo nội dung, chính vì thế cơ quan báo chí phải là KOL trên các nền tảng mạng xã hội.

Nội dung trên được ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TPHCM nhấn mạnh tại tọa đàm "Phát triển nền tảng triệu view của cơ quan truyền thông", do báo Người lao động tổ chức tại TPHCM, ngày 6/12.

Nhiều thách thức khi đưa nội dung báo chí lên nền tảng mạng xã hội

Theo nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban biên tập, Phó Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh niên, bên cạnh báo in, báo điện tử, trong thời gian qua báo Thanh niên cũng tập trung vào việc phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok và Zalo… 

Báo cũng đã thành lập trung tâm nội dung số để sản xuất các nội dung đưa lên mạng xã hội và xem đây là một trong những trụ cột để phát triển.

Cơ quan báo chí phải là KOL trên các nền tảng mạng xã hội - 1

Nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban biên tập, Phó Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh niên.

Tuy nhiên, theo nhà báo Đức Trung, việc bảo đảm nội dung trên mạng xã hội rất vất vả, vừa tiệm cận nội dung bạn đọc quan tâm lại vừa phải cạnh tranh được với các kênh nổi tiếng.

Đầu tư vào công nghệ để phát triển nội dung trên các nền tảng cũng rất lớn, chẳng hạn như đầu tư trường quay để sản xuất nội dung đã lên đến vài tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn phải tổ chức đội ngũ để quản trị rủi ro, bởi thực tế hiện nay báo chí đang "đi mượn", chỉ cần các mạng xã hội thay đổi một thuật toán là cơ quan báo chí phải thay đổi rất nhiều, để đảm bảo phát triển nội dung theo kịp xu hướng.

Tiếp đó là các rủi ro khách quan, khi một bình luận liên quan nội dung "nhạy cảm", nếu quản trị không tốt, cơ quan báo chí sẽ bị ảnh hưởng.

Chính vì thế nếu chỉ cơ quan báo chí độc lập không sẽ rất khó, đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý Nhà nước để phát triển lâu dài.

Đồng quan điểm, nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng ban Truyền hình đa nền tảng báo Pháp Luật TPHCM cũng cho biết, hiện báo Pháp luật TPHCM đã tham gia hầu hết các nền tảng mạng xã hội quốc tế và trong nước, trong đó có mạng xã hội đưa về doanh thu, cũng có mạng xã hội đưa về tương tác.

Cơ quan báo chí phải là KOL trên các nền tảng mạng xã hội - 2

Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng ban Truyền hình đa nền tảng báo Pháp Luật TPHCM.

Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng xuất hiện nhiều rủi ro, đầu tiên là sự phụ thuộc của các tờ báo vào nền tảng mạng xã hội, đây là điều đáng lo ngại nhất.

Sự phụ thuộc ở đây không đơn thuần về nội dung mà còn có cả thuật toán và có sự không sòng phẳng; chẳng hạn như Facebook thấy quảng cáo giảm sẽ thay đổi thuật toán, hay Youtube 3-6 tháng cũng thay đổi, làm cho báo chí vừa đầu tư đội ngũ làm nội dung cũng phải thay đổi theo.

Tiếp theo là báo chí dễ chạy theo định hướng mạng xã hội, các xu hướng (trend) làm cho người làm báo bị xao động, không theo thì nội dung sẽ khô khan, nhưng nếu theo sẽ sai tôn chỉ mục đích dẫn đến mất chất.

Và cuối cùng là rủi ro liên quan đến vấn đề quản lý, việc quản lý nội dung trên nền tảng mạng xã hội không thể trùng lắp như trên báo chí được, nhưng hiện nay cũng chưa có quy định.

Chính vì thế, nếu áp dụng luật báo chí vào mạng xã hội sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho các báo, do nội dung trên mạng xã hội phải mềm mại và dân dã hơn, nếu giống như trên báo thì sẽ khô khan, không ai xem.

Bên cạnh đó là vấn đề xuất bản, ai sẽ là người có trách nhiệm xuất bản nội dung trên mạng xã hội, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký tòa soạn báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng cho biết, báo chí hiện phát triển chậm trên các nền tảng mạng xã hội do đang có nhiều vướng mắc.

Chẳng hạn như đưa tin trên báo chính thống như thế này, nhưng đưa lên mạng xã hội sẽ như thế nào. Quản lý nội dung trên báo chí chính thống và nội dung khi đưa lên nền tảng mạng xã hội ra làm sao, cũng chưa thấy cơ quản lý chức năng nhắc tới khi giao ban, cho nên vẫn còn rất nhiều băn khoăn.

Các cơ quan báo chí phải là các KOL trên nền tảng mạng xã hội

Trước chia sẻ của các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, Sở TT&TT đang xây dựng các quy chế để quản lý nội dung trên mạng xã hội; ngoài việc siết chặt quản lý các nội dung tiêu cực, sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ các báo phát triển các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Cơ quan báo chí phải là KOL trên các nền tảng mạng xã hội - 3

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho rằng, các cơ quan báo chí cần xây dựng thương hiệu của mình trên mạng xã hội và thông tin chính thống ở đây là một thế mạnh, bởi mạng xã hội có theo trend gì đi nữa cơ quan báo chí vẫn là kênh thông tin để kiểm chứng.

Đồng thời, Sở TT&TT TP.HCM cũng đang xây dựng kế hoạch truyền thông trên mạng xã hội để lan tỏa những thông tin tích cực và thúc đẩy truyền thông về chính sách, trong đó các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng.

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, các cơ quan báo chí cần truyền thông một cách chủ động trên các nền tảng và thực tế hiện nay các cơ quan báo chí đang có nội dung mạnh hơn cả các KOL.

Chẳng hạn như các tuyến Metro của TPHCM, chỉ có cơ quan báo chí mới vào đưa tin được, chính vì vậy nếu sản xuất các clip rồi đưa lên mạng xã hội sẽ thu hút được đông đảo lượng người xem.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần tuyên truyền để người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, vì thế thành phố mong muốn các cơ quan báo chí không chỉ truyền thông trên báo, mà còn truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội của mình để hướng dẫn người dân dùng các dịch vụ này.

"Chúng ta đã thay đổi tư duy rồi, nay phải tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất các nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Từ đó hướng đến các nền tảng "tỷ view" chứ không chỉ là "triệu view" như hiện nay và các cơ quan báo chí phải là các KOL trên nền tảng mạng xã hội", ông Nguyễn Ngọc Hồi nhấn mạnh.

Cơ quan báo chí phải là KOL trên các nền tảng mạng xã hội - 4

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động.

Theo nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động, mạng xã hội hiện nay không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Điều chỉnh mạng xã hội làm sao cho đời sống con người tốt đẹp hơn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và những người làm nội dung hướng tới.

Ông Tô Đình Tuân cho rằng, hiện nay, có nhiều nội dung các báo đang phải chạy theo mạng xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đang có vai trò, trọng trách và lợi thế để phát triển nội dung trên mạng xã hội tốt nhất.

Trong tương lai các cơ quan báo chí cần đầu tư mạnh mẽ để phát triển nội dung trên mạng xã hội, tuy nhiên, nó còn lệ thuộc vào tài chính của mỗi bên, vì thế các báo cần chủ động có các giải pháp về vấn đề này.

"Bây giờ không phải thời hoàng kim của báo in nữa, trong tương lai cũng không phải là thời hoàng kim của báo điện tử, tương lai 5 đến 10 năm nữa chính là mạng xã hội. Các báo cần bước cùng nhịp đó và tạo ra sự chủ động để không phụ thuộc vào người khác. Để làm được điều đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí và lãnh đạo các doanh nghiệp cần có sự kết nối, đồng hành và chia sẻ với nhau", nhà báo Tô Đình Tuân nhận định.

Theo vietnamnet.vn