1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh "siêu máy bay" chỉ chở vài chục khách

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Không phải cứ mở cửa bầu trời thì hoạt động hàng không quốc tế sẽ "ngon lành". Thực tế trên các đường bay quốc tế trọng điểm đã khôi phục, khách đi lại rất ít, thậm chí chỉ có vài chục người/chuyến.

"Phát sốt" vì Omicron

Từ tháng 11/2021, những chuyến bay đầu tiên chở khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được thí điểm nhưng áp dụng theo cơ chế hộ chiếu vaccine và combo trọn gói dịch vụ. Theo đó, du khách sẽ có chuyến du lịch tại những điểm nghỉ dưỡng tách biệt hoàn toàn với cộng đồng, được xét nghiệm Covid-19 liên tục trong những ngày lưu trú. Sau 2 năm "đóng băng" đường hàng không quốc tế, Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng là những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 1

Từ ngày 15/2/2022, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đường bay quốc tế sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đầu tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, đề xuất áp dụng từ ngày 15/12. Việc khôi phục đường bay được cho là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Với quan điểm thận trọng, không nóng vội vì dịch, Chính phủ đồng ý khôi phục đường bay quốc tế thí điểm từ ngày 1/1/2022. Hoạt động bay thường lệ chở khách quốc tế kết nối với các địa bàn có hệ số an toàn cao là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).

Ban đầu, nhà chức trách dự kiến khai thác những chuyến bay thương mại đầu tiên chở khách thường lệ quốc tế đến Việt Nam là từ Đông Bắc Á, bởi đây là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Nhà chức trách hàng không Việt Nam và các nước đối tác đã xúc tiến sớm việc đàm phán và thống nhất về tần suất khai thác, điều kiện áp dụng với người nhập cảnh.

Nhật Bản là nước đầu tiên chấp thuận mở lại đường bay quốc tế với Việt Nam với 8 chuyến/tuần. Nhà chức trách 2 nước thống nhất các chuyến bay giữa Việt Nam - Nhật Bản sẽ bắt đầu khai thác từ 1/1/2022.

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 2

Khu vực làm thủ tục tại ga quốc tế đi - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội (Ảnh: NIA).

Tuy nhiên, đúng vào thời điểm đó, làn sóng dịch lại bùng lên với biến chủng mới Omicron. Đáng tiếc, cả 9 thị trường kết nối hàng không với Việt Nam theo kế hoạch đề ra đều xuất hiện chủng này. Theo các quy định về kiểm soát biến chủng mới, tất cả các chuyến bay đã, đang và sắp triển khai đều ảnh hưởng.

Omicron khiến các quốc gia phải tính toán lại về khả năng mở đường bay và năng lực y tế sở tại. Với Nhật Bản, chủng mới bùng phát khi nước này bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch dài ngày, đồng nghĩa với việc tạm dừng nối lại bay quốc tế thường lệ. Khi đó, lịch khai thác của phía Việt Nam buộc phải điều chỉnh từ dự kiến ngày 1/1 sang ngày 5/1.

Tối 1/1, chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 là từ Phnom Penh (Campuchia).

Ngày 15/2, Việt Nam quyết định dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Vì sao chưa thể "bình thường hóa" đường bay Trung Quốc?

Đất nước tỷ dân vốn là thị trường hàng không khổng lồ và giàu tiềm năng. Năm 2019, mỗi ngày có khoảng 100 chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc, sản lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam là 7 triệu người (đứng thứ 2 sau Hàn Quốc với 10 triệu người - PV). Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán đầu năm 2020, nước này đã nói "không" với các chuyến bay chở khách quốc tế, các chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ được phép chở hàng hóa.

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 3

Các chuyến bay chở khách tới Trung Quốc vẫn chưa thể khôi phục (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tháng 12/2021, Cục Hàng không Việt Nam 2 lần gửi văn bản tới Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc và đề nghị khôi phục vận chuyển hành khách thường lệ giữa hai nước. Đến giữa tháng 1/2022, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc có thư phản hồi, trong đó nhấn mạnh nước này đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh thông qua cơ chế Ủy ban Nhà nước về ngăn ngừa và kiểm soát Covid-19.

Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cũng cho biết chưa được giao thẩm quyền trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước về việc khôi phục vận chuyển hành khách quốc tế. Cơ quan này bày tỏ rất tiếc chưa thể đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: "Trung Quốc duy trì chính sách "zero covid" và tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, do vậy các chuyến bay chở khách từ Việt Nam vẫn bị hạn chế. Chính sách của Trung Quốc áp dụng với tất cả các nước nên chúng ta cũng không còn cách nào khác".

Cũng theo Cục trưởng Cục Hàng không, hiện tại mỗi tuần phía Trung Quốc chỉ đồng ý tiếp nhận 2 chuyến bay chở khách từ Việt Nam và Vietnam Airlines là hãng hàng không được chỉ định khai thác. Cục Hàng không vẫn đang nỗ lực để làm việc với đối tác, tuy nhiên cũng phải tôn trọng quyết định của họ.

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 4

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Ảnh: Như Quỳnh).

"Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của hàng không Việt Nam sau Hàn Quốc, nhưng rất quan trọng. Về lâu dài, thị trường Trung Quốc sẽ hơn Hàn Quốc, vì Hàn Quốc dân số chỉ 50 triệu người, trong khi Trung Quốc có tiềm năng lớn, là đất nước tỷ dân" - Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.

"Siêu máy bay" chỉ chở vài chục khách

Hiện nay, hành khách quốc tế nói chung và người Việt định cư ở nước ngoài nói riêng có thể nhập cảnh qua các chuyến bay từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ - PV). Đáng nói, dù Việt Nam đã "mở toang" đường hàng không quốc tế nhưng lượng khách nhập cảnh những ngày qua lại không ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.

Số liệu mới nhất cho thấy, tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày. Trong khi đó, tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày. Từ ngày 11/1-23/2, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam, đây là con số rất nhỏ so với 4 triệu khách/tháng trong thời kỳ cao điểm năm 2019.

Trên thực tế, không phải cứ mở cửa bầu trời thì hoạt động hàng không quốc tế sẽ "ngon lành". Với các đường bay quốc tế trọng điểm đã khôi phục có tiềm năng rất lớn nhưng khách đi lại cũng rất ít, thậm chí chỉ có vài chục người/chuyến.

Bằng chứng là chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 5/1. Chuyến bay được khai thác bằng máy bay Boeing 787 với hơn 300 chỗ ngồi, đây là máy bay thân rộng hiện đại nhất của nhà chế tạo Mỹ và thường được gọi là "siêu máy bay" bởi tầm vóc của dòng máy bay này. Tuy nhiên, chuyến bay chở khách thường lệ đầu tiên sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19 lại không đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí còn đi vào "lịch sử" an ninh an toàn vì chuyến bay này bị đe dọa bắn hạ khi qua Vịnh Tokyo.

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 5

Vị khách nước ngoài trên một chuyến bay của Việt Nam (Ảnh: VNA).

Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho PV Dân trí biết: "Chúng tôi sử dụng máy bay Boeing 787 đi Nhật Bản với niềm hi vọng là sẽ đông khách sau 2 năm gián đoạn chở khách thường lệ, nhưng thực tế chiều về chỉ đón được 47 người, trong đó có 3 khách người Nhật và 44 khách Việt".

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Nhật Bản là thị trường trọng điểm, nhiều khách du lịch và nhu cầu hồi hương của người Việt tại Nhật rất lớn. Trước khi tổ chức chuyến bay, hãng căn cứ vào lượng khách đặt vé để quyết định sử dụng loại máy bay nào và sắp xếp thành viên tổ bay phù hợp với yêu cầu khai thác loại máy bay đó.

"Ban đầu khách đặt vé rất đông, nhưng sau đó khách bỏ chuyến và hủy vé rất nhiều. Chúng tôi đã tổ chức chuyến bay đi với phi hành đoàn có 15 người, trong đó có 12 tiếp viên và 3 phi công, chi phí khai thác máy bay Boeing 787 cũng rất đắt đỏ, nhưng lượng khách vận chuyển về Việt Nam thì chưa đạt 1/6 số ghế trên máy bay" - ông Hà thông tin.

Nói về việc sản lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp, lãnh đạo Hãng hàng không Vietjet cho rằng: "Cần thực hiện chế độ miễn/cấp visa thông thoáng đối với người nước ngoài thì việc phục hồi các đường bay quốc tế mới có ý nghĩa. Hiện nay, để một người nước ngoài nhập cảnh phải qua quá nhiều bước".

Nước cờ "sống còn" và bước đi khai mở

Theo giới phân tích, ngành hàng không muốn "sống" được thì không chỉ khôi phục thị trường có sẵn, việc mở các đường bay mới, phát động thị trường mới cũng là mục tiêu cần được chú trọng. Trên thực tế, trong lượng khách hàng không vận chuyển có tới 70% lượng khách du lịch, vì thế việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển, từ đó mang nguồn khách rất lớn để hỗ trợ cho ngành hàng không.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho hay: "Những hãng có nhu cầu thì Cục sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đàm phán, hỗ trợ mở đường bay mới. Mở đường bay quốc tế là vấn đề "sống còn", không mở cửa sớm thì không cứu được các hãng hàng không, bởi hơn 70% doanh thu của các hãng là từ thị trường quốc tế".

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 6

Việc khôi phục thị trường, mở đường bay mới là mục tiêu quan trọng để giúp "vực dậy" ngành hàng không (Ảnh: Tiến Tuấn).

Hôm 25/2, Bamboo Airways chính thức khai trương đường bay thẳng thương mại thường lệ Việt Nam - Đức. Đây cũng là đường bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên tới châu Âu mà hãng này khai thác trong năm 2022, mở đường cho kế hoạch mở rộng mạng bay tới nhiều quốc gia thuộc châu lục này trong thời gian tới.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, Đức là một trong những cửa ngõ rất quan trọng của thị trường châu Âu. Bay đến Đức không phải chỉ để đón khách ở Đức, Đức là một trong những điểm trung chuyển khách của nhiều nước châu Âu nên có tiềm năng lớn để khai thác. Hiện Việt Nam đã có đường bay tới London - Anh, Paris - Pháp và Frankfurt - Đức, đây là những thị trường tốt để các hãng hàng không Việt Nam phát triển.

Theo ông Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, trước đây cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế. Trong khi 2 năm nay Việt Nam bị đình trệ vì dịch bệnh, vì phải đóng cửa, vì vậy Chính phủ nên mở thoáng, mở thật để hàng không đón khách quốc tế.

"Chính sách visa vô cùng quan trọng nên cần thiết phục hồi ngay như thời kỳ trước đại dịch, đó là mấu chốt nên tập trung xử lý; nên miễn visa với các thị trường quan trọng, tiềm năng" - ông Nam nói và cho rằng đó là điều kiện tiên quyết, có chính sách visa tốt mới thu hút được khách du lịch đến Việt Nam.

Mở cửa bầu trời và nghịch cảnh siêu máy bay chỉ chở vài chục khách - 7

Các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện chế độ miễn/cấp visa thông thoáng đối với người nước ngoài thì việc phục hồi các đường bay quốc tế mới có ý nghĩa (Ảnh: BGT).

Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2022. Trong kịch bản trung bình, thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, dù chỉ đạt hơn 50% so với 2019, nhưng đây được cho là con số khá ấn tượng so với 2 năm dịch vừa qua; dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó 6 triệu khách du lịch.