1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đồng Nai:

Mộ cổ về đâu?

(Dân trí) - Ít ai ngờ được, hàng chục khối đá to nhỏ với nhiều hình thù dị dạng nằm lăn lóc trên lề đường dẫn vào khu Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lại chính là phần dương của ngôi mộ hợp chất Cầu Xéo cổ nhất từng được khai quật.

“Tủi phận” mộ cổ


Thi hài cụ bà trong mộ cổ Cầu Xéo được đưa vào bảo tàng - Ảnh T. Thúy
Thi hài cụ bà trong mộ cổ Cầu Xéo được đưa vào bảo tàng - Ảnh T. Thúy

Hơn 1 năm từ ngày khảo sát (5/8/2010) đến khi hoàn thành (16/9/2011), cuộc khai quật mộ cổ hợp cất Cầu Xéo địa phận thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cơ bản được hoàn thành với việc xử lý toàn bộ phần kiến trúc ngôi mộ và quan tài, trong đó, xác ướp được đưa về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.

Gần 2 tháng sau, tại Bảo tàng Đồng Nai, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức công bố kết quả ban đầu quá trình khai quật, nghiên cứu mộ cổ hợp chất Cầu Xéo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mộ cổ Cầu Xéo là mộ hợp chất - loại vật liệu xây dựng phổ biến vùng Nam bộ xưa, có nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc độc đáo chỉ thấy ở phần mộ của các vị quan lại, quyền quý.

Thi hài khai quật được xác định có giới tính nữ độ 50-60 tuổi, cao khoảng 1,5m, phỏng đoán là phu nhân một gia đình quý tộc thông qua các vật tùy táng sang trọng và khá lạ. Qua phân tích bằng phương pháp Carbon 14, ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Ngôi mộ cổ này mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Việt xưa và là ngôi mộ hợp chất cổ nhất từng được khai quật tại khu vực này. Mộ cổ Cầu Xéo đã được khai quật khoa học và dự tính phục hồi nguyên trạng tại Văn miếu Trấn Biên để phục vụ giới khoa học tiếp tục nghiên cứu về lịch sử - văn hóa và nhu cầu tìm hiểu của nhân dân.

Phần dương mộ cổ Cầu Xéo nằm lăn lóc bên đường vào Văn miếu Trấn Biên
Phần dương mộ cổ Cầu Xéo nằm lăn lóc bên đường vào Văn miếu Trấn Biên

Để việc khảo sát, khai quật thành công, Đoàn công tác do PGS.TS. Phạm Đức Mạnh (Trưởng Bộ môn Bảo tàng học & Di sản văn hóa, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM) là trưởng đoàn, cùng Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Đồng Nai), ông Đỗ Đình Truật (Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ) và nhiều cán bộ ban ngành địa phương cùng tiến hành khảo sát, giám định ngôi mộ cổ hợp chất Cầu Xéo và phải làm việc cật lực, ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị hiện đại.

Càng bắt tay vào công việc, các nhà chuyên môn về khảo cổ càng thấy hứng thú, đam mê bởi những nét kỳ bí với rất nhiều chi tiết vô cùng độc đáo và cũng có thể nói là lần đầu tiên được thấy ở dạng mộ cổ hợp chất tại Việt Nam. Với tất cả những giá trị như vậy, nhưng hiện nay, khi “chủ nhân” của ngôi mộ cổ đã an nghỉ trong bảo tàng, ngôi mộ được đưa về đâu?

Mộ cổ nằm lăn lóc

Những khối đá trong kiến trúc mộ cổ Cầu Xéo nằm lăn lóc bên đường
Những khối đá trong kiến trúc mộ cổ Cầu Xéo nằm "lăn lóc" bên đường

Một buổi trưa nắng gắt của ngày đầu tháng 7/2013, chúng tôi có mặt tại khu vực đường vào Văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), dọc hai bên đường những hàng cây, thảm cỏ xanh mướt trông rất bắt mắt. Chạy được khoảng 300m, bên lề đường ngổn ngang những khối đá với nhiều hoa văn kỳ lạ. Có khối hình chữ nhật, có khối hình tròn, có cả một mảng với tấm bia mờ nhạt chữ. Trước sự tò mò, quan sát, so sánh của chúng tôi, một người đàn ông đứng tuổi từ bên trong nghĩa trang gia tộc Võ Hà bước ra cho biết : “Mộ cổ Cầu Xéo đó! Những khối đá này nằm ở đây hơn 1 năm rồi. Họ chở đến, bỏ ở bên đường rồi chẳng ái đoái hoài gì đến”.

Nhìn phần dương của ngôi mộ cổ Cầu Xéo nằm “lăn lóc” như cục đá vô tri, nhiều người dân Biên Hòa xót xa trước một “kho văn hóa” quý đang bị “hắt hủi”. “Giá trị của những khối đá kia là vô giá. Từ những khối đá này nếu được quan tâm, chúng ta sẽ tìm ra được dấu chân của cha ông ngày trước một lòng mở cõi phương Nam” – anh Quốc (một du khách đến thăm Văn miếu Trấn Biên) tâm sự.

Phần bia của ngôi mộ cổ
Phần bia của ngôi mộ cổ

Trước đó, PGS.TS. Phạm Đức Mạnh từng nhận định, đây là di tích mộ cổ có khá nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc độc đáo riêng, lạ, lần đầu tiên được khám phá tại Việt Nam, cần được phục hồi nguyên trạng để phục vụ giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa vật thể - phi vật thể nói riêng và phục vụ cho công tác đào tạo, giáo dưỡng các thế hệ trẻ “tri ân tiên tổ”, phục vụ nhân dân nói chung.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu mộ cổ Đỗ Đình Truật (Viện phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) đã từng kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai phải bảo quản toàn bộ kiến trúc dương phần (khối lượng ước tính ban đầu nặng khoảng mấy chục tấn) di dời về Văn miếu Trấn Biên Đồng Nai để bảo tồn.

Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai thừa nhận những khối đá được đặt để một cách hỗn loạn trên lề đường chính là ngôi mộ cổ ở Cầu Xéo. Ban đầu Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ đưa về phục dựng bên trong khuôn viên nghĩa trang gia tộc Võ Hà bởi đã có sự đồng thuận của những người quản lý nghĩa trang. Tuy nhiên, khi đưa về đến đây thì những người có trách nhiệm tại nghĩa trang này từ chối. Vì thế đành phải bỏ lăn lóc trên lề đường.

Phần bia của ngôi mộ cổ
 

Ông Dũng cho biết thêm, sắp tới sẽ quy hoạch nghĩa trang Võ Hà thành khu kiến trúc nghĩa trang mộ cổ và mộ cổ Cầu Xéo sẽ được đưa vào đây, cùng với những ngôi mộ sẵn có, thành một quần thể mộ cổ độc đáo riêng có ở Biên Hòa. Hơn một năm nay, ban quản lý di tích danh thắng đã 2 lần làm văn bản trình UBND tỉnh về việc phục dựng nhưng vẫn chưa có kết quả.

Trong khi các cơ quan chức năng đang tìm “giải pháp” thì phần dương của ngôi mộ cổ hợp chất Cầu Xéo vẫn tiếp tục nằm lăn lóc bên lề đường như những cục đá vô tri!

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm