1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đồng Nai:

“Bơ vơ” ngôi mộ cổ

(Dân trí) - Từng được xem là ngôi mộ được xây bằng hợp chất cổ nhất với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá, nhưng sau khi được khai quật, mộ cổ Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, Đồng Nai) lại bị bỏ "lăn lóc" bên lề bên đường như cục đá vô tri.

“Chân dung”  mộ cổ

Mộ cổ hợp chất Cầu Xéo khi chưa khai quật - 
Mộ cổ hợp chất Cầu Xéo khi chưa khai quật - Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh

Được phát hiện vào giữa năm 2010, khi dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây khởi công, mộ cổ hợp chất Cầu Xéo nằm tọa lạc trong khuôn viên một nhà dân, thuộc địa phận thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ngôi mộ này nằm trên khoảnh đất bằng phẳng rộng khoảng 40m2, với kiến trúc có tường thành bao quanh gần như nguyên vẹn.

Chuyện ngôi mộ được phát hiện đã làm xôn xao dư luận bởi những “bí ẩn” bên trong ngôi mộ. Những họa tiết, kiến trúc của ngôi mộ cổ này khiến những nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương không thể không quan tâm. Sau nhiều cuộc họp bàn hướng xử lý, ngày 5/8/2010, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Đồng Nai đã mời các chuyên gia đầu ngành gồm PGS.TS. Phạm Đức Mạnh (Trưởng Bộ môn Bảo tàng học & Di sản văn hóa, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM), Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Đồng Nai), ông Đỗ Đình Truật (Viện phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) và nhiều cán bộ ban ngành địa phương cùng tiến hành khảo sát và giám định ngôi mộ cổ này.

Theo báo cáo khảo sát, mộ cổ hợp chất Cầu Xéo có kiến trúc khép kín tạo hình gần chữ nhật. Nếu tính cả phần tường bao, mộ có chiều dài khoảng 8,5m, rộng cỡ 4,5 - 4,6m, từ nơi đặt huyệt ra cửa được phối trí ghép liền bởi hai phần là phần quách và phần sân tiền. Trong đó, phần quách là bộ phận bảo vệ ngoài cùng của huyệt mộ được đúc liền khối vững chắc với cấu trúc mui luyện hình voi phục, có bờ bao quanh với hai rìa bờ vát dọc đều.

Mặt sau là bờ tường bao phần hậu gồm một khán thờ gấp khúc kiểu bình phong có khuôn hình chữ nhật, xung quanh khuôn tạo vành giật 2 cấp; ở khuôn giữa có đục khắc một số chữ Hán còn khá rõ; phần sân tiền - tiền sảnh có bề mặt hợp chất khá phẳng, phối trí bình phong tiền và cặp trụ cửa đầu sen (hay biểu tượng gọi là “đuốc thiêng”). Bình phong tiền được đặt trên bàn đề đơn giản, hai đầu trên chặt vát góc, khung hình chữ nhật chính giữa trang trí dạng phù điêu tạo hình các mô típ như cặp nai (một đứng, một nằm) dưới gốc cây đa ở mặt hướng ra cửa trước và tứ linh (long - lân - quy - phụng) ở mặt sau hướng về ban thờ bia…

Tất cả những chi tiết này cho thấy sự chuẩn bị, xây dựng vô cùng công phu, nhiều kiến trúc mộ phần chỉ thấy ở nơi yên nghỉ của các vị tiền hiền, dòng dõi “danh gia, quyền quý” của xứ Nam Bộ xưa.

Ngôi mộ cổ độc đáo, hiếm thấy!

Một số họa tiết bằng chữ Hán trên mộ cổ Cầu Xéo 
Một số họa tiết bằng chữ Hán trên mộ cổ Cầu Xéo Ảnh chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh

Theo PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, trưởng đoàn khảo sát, dù ông đã chủ trì và tham gia rất nhiều công trình nghiên cứu, khai quật mộ cổ ở Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng nhưng ngôi mộ cổ này khiến ông thực sự ngạc nhiên và hứng khởi vì được thấy quá nhiều điều độc đáo và cả những chi tiết mới lần đầu tiên được thấy.

Điều thú vị đầu tiên có thể kể là tấm bia mộ (bia bằng đá sa thạch tím hạt mịn - loại đá này không có ở Đồng Nai, nhiều khả năng được mang từ miền Trung vào). Trên bia có thể đọc được dòng chữ “Phu nhân chi mộ”, dù chữ “Phu” không được rõ chi tiết lắm. Khi cắt phần bia mộ bên trên để di dời, lúc khai quật xuống, phần bia mộ còn kéo dài xuống phía dưới ngay cửa mộ và phần này có khắc chữ “Hoàng”.

“Đây là lần đầu tiên tôi thấy chi tiết này ở bia mộ hợp chất tại Việt Nam và chữ “Hoàng” có nhiều nghĩa, cụ thể như: hoàng tổ, hoàng tộc, hoàng đế… nhưng chữ “Hoàng” ở đây có thể được hiểu là “cửa mộ” - nơi đưa quan tài vào” - PGS.TS. Phạm Đức Mạnh giải thích thêm.

Một đặc điểm độc đáo nữa khiến nhiều người ngạc nhiên, dù đây là mộ phụ nữ nhưng nó lại có hình voi phục dành cho mộ nam giới. Bình thường nếu là mộ nữ thì nó khá nhỏ, hay được gọi là mộ mu rùa, nhưng ngôi mộ này lại rất lớn, khối lượng lên tới hơn mười mấy tấn giống như của mộ nam. Đặc điểm này có thể đưa đến nhận định đây là mộ của một nữ phu nhân, quý tộc có phẩm cách cao quý, vương giả.

Theo PGS.TS. Phạm Đức Mạnh thì đây là ngôi mộ có hợp chất tốt nhất mà ông đã từng khai quật từ trước tới nay; ẩn chứa rất nhiều giá trị lịch sử - văn hóa quý giá, nhất là có những chi tiết vô cùng độc đáo và cũng có thể nói là lần đầu tiên được thấy ở dạng mộ cổ hợp chất tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy di tích mộ hợp chất cổ Cầu Xéo có khá nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc độc đáo riêng, lạ, lần đầu tiên được khám phá tại Việt Nam. Theo PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, di tích mộ này cần được phục hồi nguyên trạng để phục vụ giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa vật thể - phi vật thể nói riêng và phục vụ cho công tác đào tạo, giáo dưỡng các thế hệ trẻ “tri ân tiên tổ”, phục vụ nhân dân nói chung.

Trước những phát hiện độc đáo từ ngôi mộ cổ hợp chất, nhà nghiên cứu mộ cổ Đỗ Đình Truật (Viện phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) đã kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai phải bảo quản toàn bộ kiến trúc dương phần (khối lượng ước tính ban đầu nặng khoảng mấy chục tấn) di dời về Văn miếu Trấn Biên Đồng Nai để bảo tồn…

(Còn tiếp)

Trung Kiên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm