1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ:

Miền Trung thiệt hại nặng do chủ quan với lũ

(Dân trí) - Ngày 14/10, tại Huế, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình công tác trong đợt lũ lụt khu vực miền Trung vừa qua. Ý kiến nổi bật là: Lũ lụt không lớn nhưng để xảy ra nhiều thương vong, tại sao?

Chưa kể tổng thiệt hại về tài sản của dân, của hệ thống giao thông, đê điều... khoảng 301 tỷ đồng, thì số người chết đã làm mọi người phải băn khoăn suy nghĩ. Con số người chết lên đến 17 (Quảng Bình 9 người, Quảng Trị 3 người, TT-Huế 2 người, Quảng Nam 1 người, Quảng Ngãi 2 người); 5 người còn mất tích (Quảng Bình 4, Quảng Trị 1) và số người bị thương là 9 (Quảng Trị 8, TT-Huế 1). 

 

Nhận định của Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ được hội nghị thống nhất là trong đợt lũ lụt vừa qua đã có biểu hiện tư tưởng, thái độ chủ quan, không chỉ trong dân mà ngay với các cấp chính quyền. Một bằng chứng rất rõ: Lũ lụt ở Quảng Trị nghiêm trọng hơn ở Quảng Bình nhưng số người chết ở Quảng Bình lại cao gấp 3 lần. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thu lý giải: Đã 6 năm Quảng Bình không bị lũ lụt là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chủ quan. Nhưng cần phải thấy rõ là ở Quảng Trị công tác thông tin, tuyên truyền tốt hơn, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền Quảng Trị cũng kiên quyết hơn nên đã kịp thời sơ tán dân khỏi vùng rốn lũ.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương  đánh giá: Các tỉnh miền Trung trước nay vẫn là địa phương  có nề nếp và khá hiệu quả trong công tác phòng tránh bão lũ của cả nước. Nhưng sắp tới, để đối phó với lũ quét, sạt lở đất cần phải tổ chức nhanh nhạy, tốt hơn nữa. Và thực tế là, các địa phương có thể làm tốt hơn, không để xảy ra tổn thất không đáng có.

 

Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu đã nhìn nhận những bất cập khác. Như đến nay Đài khí tượng thuỷ văn Trung bộ  chưa có phương tiện dự báo lũ quét và sạt lở đất. Đại biểu tỉnh Quảng Bình đưa ra một đề xuất đáng chú ý: Cần xem việc thực hiện di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nặng như một công tác thường xuyên, không đợi đến lúc “nước đến chân mới nhảy”.

 

Vấn đề quan trọng được đặt ra thuộc lĩnh vực tài chính. Trước đây, các địa phương có quỹ PCBL&TKCN, nên chi để ứng cứu nhanh. Bây giờ đã chuyển thành phí nên phải thông qua các Sở tài chính mới được chi, thường gây chậm trễ, ách tắc. Vì vậy, hội nghị đề nghị Trung ương cho lập lại quỹ PCBL&TKCN như trước.

 

Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ yêu cầu: "Từ nay, lãnh đạo các cấp phải trực tiếp về các địa phương để kiểm tra, đôn đốc chứ không chỉ cảnh báo bão lũ bằng cách Trung ương điện cho tỉnh, tỉnh thay ngày tháng rồi điện cho huyện, huyện điện cho xã như cách làm lâu nay được".

 

Bảo Chương

Dòng sự kiện: Lũ miền Trung