Miền Trung ngập nặng, các tỉnh tích cực đối phó bão số 5

(Dân trí) - Từ hôm qua, 2/10, mực nước các con sông ở nhiều tỉnh miền Trung lên rất nhanh do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Khắp các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng... nhiều con đường đã ngập chìm trong biển nước. Sáng nay, gần 4.000 học sinh Huế đã phải nghỉ học.

Huế ngập nặng, nguy cơ lũ trên diện rộng

 

Suốt từ sáng 30/9 đến chiều tối ngày hôm qua, do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5 (cơn bão Lekima), thành phố Huế và các khu vực lân cận đã xảy ra mưa lớn kéo dài kèm theo gió lớn khiến nhiều tuyến đường khu vực trung tâm thành phố bị ngập nặng.

 

Điển hình như đường Đống Đa ngập sâu tới nửa mét; đường Bến Nghé, Hùng Vương, Nguyễn Công Trứ, Nhật Lệ… chìm trong biển nước, cản trở quá trình giao thông; rất nhiều phương tiện chết máy giữa đường.

 

Miền Trung ngập nặng, các tỉnh tích cực đối phó bão số 5 - 1

Đường Nguyễn Sinh Cung bị chặn lại, ngăn người và phương tiện đi vào vì ngập sâu, nước chảy xiết, rất nguy hiểm.

 

Sáng nay, do tình trạng ngập nặng ở các con đường và trước nguy cơ xảy lũ, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các Phòng Giáo dục địa phương thông báo kịp thời để các học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học. Tùy tình hình cụ thể, các em học sinh sẽ đi học trở lại sau bão số 5.

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Thừa Thiên-Huế, mực nước trên các sông tiếp tục tăng nhanh. Mực nước trên sông Hương mức báo động III vào tối 2/10 và nguy cơ xảy ra lũ trên diện rộng.

 

Miền Trung ngập nặng, các tỉnh tích cực đối phó bão số 5 - 2

 

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức trực ban 24/24h, triển khai công tác đối phó, phối hợp với Sở Thuỷ sản, Bộ đội Biên phòng và các huyện đầm phá kêu gọi ngư dân về nơi trú ẩn an toàn; tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước và phân công lực lượng túc trực tại đập Thảo Long, đập Cửa Lát và các cống dưới đê để chủ động mở các cửa cống nhằm tiêu úng.

 

Cho đến chiều qua, toàn bộ dân vạn đò trên sông Hương đã được neo đậu ở những nơi trú ẩn an toàn.

 

Quảng Trị: Lốc xoáy, mưa lớn làm sập nhà dân

 

Bình Phước: Gần 200 căn nhà chìm trong biển nước

 

Ngày 2/10, mưa lớn đã làm cho gần 200 căn nhà ở thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú (Bình Phước - một tỉnh miền Đông Nam Bộ) ngập chìm trong biển nước. Hàng ngàn hecta hoa màu và cây công nghiệp cũng bị nước “tấn công”.

 

Được biết mức ngập này ở Bình Phước cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ban chỉ huy PCLB và TKCN đã kịp thời huy động lực lượng triển khai di dời các hộ dân cùng với các tài sản có giá trị nằm trong vùng ngập lụt, chuyển đến nơi an toàn.

Trưa 2/10, tại xã ven biển Trung Hải, huyện Gio Linh đã xảy ra gió lốc lớn làm hai nhà dân và trường Mầm non Trung Hải bị tốc mái. Mực nước các sông ở Quảng Trị đang lên nhanh, nhiều sông đã xấp xỉ báo động 2. Quảng Trị vẫn tiếp tục mưa lớn và đứng trước khả năng ngập nặng.

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, sáng nay, Ban Chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Trị đã họp triển khai các phương án khẩn cấp và phân công các đồng chí trong ban về các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống bão. UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương chuẩn bị các phương án di dời dân vùng ven biển đến nơi trú ẩn an toàn.

 

Hà Tĩnh: Hơn 24.500 dân phải sơ tán khẩn cấp

 

Đến cuối giờ chiều qua, Trung tâm Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 5. Để kịp thời đối phó, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp triến khai công tác phòng chống bão lụt và tiến hành di dời khẩn cấp 24.561 người dân ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà và Nghi Xuân đến nơi an toàn.

 

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh này vẫn còn 20 tàu đánh bắt cá chưa vào bờ.

 

Đà Nẵng: Ngập đường, nước cống tràn đầy đường

 

Miền Trung ngập nặng, các tỉnh tích cực đối phó bão số 5 - 3

Đường Lê Duẩn, nước cống theo nước mưa

tràn lên hành dân. (Ảnh: L.T.Q)

 

Nhiều con đường chính của thành phố Đà Nẵng ngập trong biển nước; nặng nhất như đường Hùng Vương ngập sâu tới nửa mét, khiến các phương tiện đi lại rất khó khăn.

Con đường Lê Duẩn ngập nước kéo theo nước thải dưới cống trào lên vô cùng ô nhiễm, bẩn thỉu và hôi thối. Một số khu dân cư cũng bắt đầu phải… lội. Tại khu dân cư Đa Phước 2, nhiều người dân đã phải chủ động chuyển đồ đạc lên cao vì  nước đã tràn vào nhà.  

Quảng Bình: Di dời hơn 10.000 dân ven biển

 

Cũng trong chiều qua, Quảng Bình đã có gió lốc kèm mưa lớn. Nước trên các sông Kiến Giang, sông Gianh đang tiếp tục dâng cao và lên mức báo động 2. Triều cường đã dâng cao làm bờ kè biển Nhật Lệ bị cuốn trôi; sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng ở cửa biển sông Dinh (xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch). Kè biển bị nước cuốn  trôi, nhà dân cách mức nước biển chỉ còn 5-6m.

 

Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống bão lụt Quảng Bình, cho biết các địa phương ven biển đang khẩn trương lên kế hoạch di dời khoảng hơn 10.000 dân các xã ven biển ở nơi xung yếu lên vùng cao ráo, an toàn để tránh bão số 5. Gần 1.000 hộ dân sống dọc sông Gianh nằm trong vùng sạt lở cũng được lệnh di dời khẩn cấp.

Nhóm PV miền Trung

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007