1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Miền Tây chơi Tết hết “mùng mền”

(Dân trí) - Với người dân miền Tây sông nước, đặc biệt là lớp trẻ, cái Tết dân tộc luôn kéo dài đến hết rằm tháng Giêng. Họ gọi đó là ăn cho hết “mùng mền”.

Miền Tây chơi Tết hết “mùng mền”  - 1
Trẻ em, người lớn cùng qua cầu khỉ đi chúc Tết
(Ảnh chụp sáng mùng 1 tết ở xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).

 

Thông thường những ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, lớp thanh niên miền Tây chỉ đi chơi quanh nhà bố mẹ, bà con ruột thịt. Vài năm trở lại đây, chơi Tết gắn liền với nhậu nhẹt đã thành phổ biến, người miền Tây luôn say xỉn trong 3 ngày Tết. Và vì thế họ cũng chẳng đi được đâu xa.

 

Sau 3 ngày Tết mới chính thức là những ngày lớp trẻ đi chơi Tết, vui Xuân. Họ đi du lịch, trẩy hội, tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các vùng nông thôn, nơi đa số thanh niên chỉ làm ruộng và sau Tết là lúc nông nhàn. Hơn nửa tháng ăn chơi, Tết trở thành dịp để thanh niên tụ tập uống rượu, cờ bạc và tất nhiên hệ lụy đi kèm là cãi lộn, thậm chí ẩu đả nhau.

 

Người miền Tây thường nói vui rằng đó là họ ăn chơi Tết cho hết “mùng mền” (mùng 1, mùng 2…).

 

Vỏ lãi (một loại ghe máy) là phương tiện được sử dụng nhiều nhất để di chuyển dưới sông trong mấy ngày Tết. Mỗi chiếc thường chở từ 4-6 người, trên có cả rượu và đồ nhắm. Vui xuân, họ có thể “ngả sòng” nhậu ngay trên sông nuớc. Một chiếc vỏ lãi chỉ chở được vài người, nhưng ngày Tết vui anh vui em, nhiều người thường lên một chiếc, chuyện đắm vỏ vẫn thường xảy ra.

 

Về miền Tây chơi xuân, chúng tôi còn ấn tượng với hình ảnh những đoàn người qua cầu khi du xuân. Cây cầu chênh vênh, người tỉnh táo đi đã nguy hiểm, chưa nói những người đang say xỉn vui xuân. Chuyện người bị ngã xuống sông trong mấy ngày tết vì thế cũng không hiếm. Chưa nói ngày tết mật độ người đi lại nhiều, cây cầu khỉ mong manh có thể gẫy bất cứ lúc nào.

 

Tết miền Tây vui lắm, và cũng có nhiều chuyện đáng buồn!

 

Huỳnh Hải