1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mẹ mất, cha làm thuê nuôi 6 con học đại học

Ở huyện Bình Đại (Bến Tre) có một người đàn ông với nghề làm thuê một tay nuôi sáu con học đại học. Nghị lực phi thường trên khiến dân trong huyện hết sức nể phục.

Nhịn ăn để nuôi con

Cuối cùng thì căn nhà lá đơn sơ của ông Trần Văn Đặng (ấp Bình Chiến, thị trấn Bình Đại) lại vắng hoe. Cách đây khoảng 5 tháng, đứa con trai út của ông Đặng đã khăn gói về Cần Thơ cùng người anh tiếp tục sự nghiệp học hành.

Dẫu vậy, trong lòng ông Đặng vui lắm. Mỗi lần có một đứa đậu vào đại học là ông lại nhớ về người vợ quá cố. Nhiều lúc nhớ quá ông đến bàn thờ thắp cho bà vài ba nén nhang để chia sẻ về niềm hạnh phúc vô bờ cũng như để tâm sự với bà là ông đã làm tròn trách nhiệm của người cha, đã nuôi dạy con cái khôn lớn, đưa chúng bước lên con đường thành đạt.

Cách đây 19 năm, vợ của ông Đặng sau khi sinh đứa con thứ bảy, do căn bệnh tim hiểm nghèo nên đã từ giã cõi đời. Bà để lại cho ông 7 đứa con, đứa lớn nhất 14 tuổi và đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tháng tuổi cùng với một mẹ già. Kể từ đó mọi gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người đàn ông 36 tuổi, vừa phải kiếm kế mưu sinh vừa phải chăm sóc con dại.

Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình lúc ấy, nhiều người ngỏ ý xin nuôi đứa út, đồng thời cho ông thêm một số tiền để nuôi con, nhưng ông Đặng kiên quyết từ chối dù lúc đó gia đình vô cùng túng quẫn.

Nhà có gần 2 ha đất, nhưng làm ruộng lúc ấy 1 vụ phần lớn chỉ hòa vốn chứ ít khi lời, ông Đặng quyết định đi làm thuê khắp nơi. Nghề nào cũng làm dù từ cất nhà, chở lá đi bán, đan rọ, mò cua bắt cá…

Ngày nào cũng vậy, cứ mờ sáng là ông đi giăng lưới, trời bừng sáng thì ông ì ạch khiêng từng bó lá chất lên ghe chở qua các xã khác. Đến trưa, ông lại phụ hồ dưới những ngôi nhà mới xây và đêm đêm dưới ánh đèn, ông ngồi đan những chiếc nò.

Ông Nguyễn Văn Sáu ở cùng ấp kể: “Anh Đặng làm cả xóm kính phục, không rượu chè, không hút thuốc. Tối ngày chỉ biết làm lụng kiếm tiền nuôi tụi nhỏ ăn học”.

Thấy ông vất vả, mẹ ông và hàng xóm khuyên nên đi thêm bước nữa, nhưng ông lắc đầu vì không muốn con mình khổ. Ông vẫn cắn răng ngày ngày làm việc nuôi con.

“Nhiều lúc khổ quá, tôi muốn chết cho xong, nhưng nghĩ đến lũ nhỏ và chuyện học hành tương lai của chúng lại thấy khỏe hẳn lên” - Ông Đặng nhớ lại.

Ước mơ thành sự thật

Con ông Đặng lớn dần, khó khăn càng chồng chất. Cả 7 đứa đều tựu trường cùng một lúc, thế nhưng ông vẫn quyết cho con đi học không thiếu ngày nào. Ông kể: “Tụi nó đi học chưa bao giờ cầm được mấy trăm đồng trong tay, không đứa nào có quà ăn sáng cả”.

Cũng may, con ông Đặng đứa nào cũng chăm ngoan và siêng năng. Đứa lớn khi học xong thì ra đồng, đứa nhỏ ở nhà chăm sóc em, dạy cho những đứa nhỏ hơn. Vậy mà đứa nào học cũng khá giỏi.

Ngoại trừ người con đầu lòng của ông Đặng khi học xong lớp 9, vì thấy mấy em khổ quá nên tự nguyện đi làm “cửu vạn” lấy tiền nuôi em, còn lại sáu người con đều đậu đại học.

Người con thứ ba của ông tốt nghiệp Đại học Cửu Long, hai cô con gái thứ tư và thứ 5 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và Sư phạm Cần Thơ. Người con thứ sáu cũng đang theo học Đại học Cần Thơ khoa Kinh tế. Nổi bật nhất là cậu út đậu cả hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) và Đại học Cần Thơ.

Trong 8 năm, ông Đặng phải gồng mình nuôi cả 6 con học đại học, mà không ai thiếu một đồng học phí quả là một sự việc hiếm thấy. Mặc dù đã có lúc ông định bán hết ruộng vườn để nuôi con, nhưng rồi không nỡ. Cuối cùng ông quyết định chỉ cho thuê lấy tiền, cộng thêm số tiền ông đi làm công hàng ngày, tích góp lại nuôi con ăn học.

Con của ông Đặng có người đã có công ăn việc làm, nhưng ông vẫn không ngừng làm việc. Với chiếc xe đạp cà tàng ông đi khắp xóm, ai có việc gì cũng nhận làm. Cứ thế ngày nào ông cũng làm việc từ sáng đến chiều tối, để mong kiếm tiến lo thêm cho các con.

“Lúc nhỏ mình dốt, nên tôi đành chịu vất vả để tụi nhỏ phải giỏi hơn. Bởi chỉ có học hành tới nơi tới chốn mới thành công được” - ông tâm sự.    

Theo Đăng Khoa
Tiền Phong