1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Mẹ liệt sĩ mất 15 năm vẫn được chi trả tiền tuất

(Dân trí) - Nhiều mẹ, vợ liệt sĩ mất hàng chục năm nhưng vẫn được chi trả chế độ. Thậm chí có trường hợp còn làm giấy tờ mạo nhận là mẹ liệt sĩ để hưởng chế độ… Đó là thực tế xảy ra nhiều năm qua ở huyện An Lão (tỉnh Bình Định).

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão, thực hiện Công văn số 1185/UBND-VX ngày 01/4/2014 của UBND tỉnh Bình Định về triển khai tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 – 2015, ngành chức năng phát hiện 7 đối tượng hưởng sai chế độ, trong đó có 4 đối tượng hưởng sai chế độ ưu đãi hàng tháng, 3 đối tượng hưởng sai chế độ tuất liệt sĩ với số tiền đến vài trăm triệu đồng.

Trường hợp bà Đinh Thị Trước ở thôn 2, xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) vợ của liệt sĩ Đinh Riêng là một ví dụ điển hình. Bà Trước qua đời từ năm 2000 nhưng Phòng LĐ-TB&XH huyện không được thông báo. Từ đó đến nay, bà Đinh Thị Tức (60 tuổi), con gái bà Trước, vô tình vẫn nhận đủ tiền chế độ. Cho đến khi ngành chức năng kiểm tra, phát hiện thì số tiền chi trả cho bà đã lên đến hơn 92 triệu đồng.

Thậm chí, một số trường hợp làm giấy tờ, hồ sơ giả mạo nhận là thân nhân liệt sĩ để hưởng chế độ tiền tuất. Như trường hợp vợ chồng ông Đinh Văn Tua và Định Thị Gỗ ở thôn 2, xã An Vinh (huyện An Lão), là anh chị ruột của liệt sĩ Định Văn Giáo, nhưng lại làm hồ sơ mạo nhận là cha mẹ của liệt sĩ Giáo để hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng. Tính đến thời điểm phát hiện, số tiền chi trả sai quy định lên đến 205 triệu đồng.

Ngoài các trường hợp chi trả sai chế độ tiền tuấn liệt sĩ, ngành chức năng huyện An lão còn phát hiện thêm 4 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi hàng tháng.

Sau khi phát hiện những sai sót trên, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão đã có báo cáo gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định. Sau đó, Sở đã ra Quyết định số 7227/QĐ-SLĐTBXH ngày 26/6/2015 đề nghị thu hồi số tiền hưởng sai của các trường hợp trên là 304 triệu đồng. Riêng trường hợp của bà Đinh Thị Tức là 92.620.000 đồng, do chính bà cũng không hề hay biết cụ thể sự việc, bà lại đang sống đơn thân, hoàn cảnh rất khó khăn, nên việc yêu cầu bà Tức hoàn lại số tiền trên là bất khả thi.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão khẳng định: Việc để sai sót, nhầm lẫn kéo dài nhiều năm mới phát hiện là sự thiếu trách nhiệm của cán bộ chi trả cấp cơ sở và cán bộ công chức Phòng LĐ-TB&XH huyện. Ngay sau khi phát hiện sai phạm trên, lãnh đạo huyện An Lão đã tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể Phòng LĐ-TB&XH vì đã để xảy ra sai phạm trên địa bàn.

Ông Mười nói thêm: "Đối với từng trường hợp chúng tôi sẽ đưa ra hướng xử lý cụ thể. Với các trường hợp mạo nhận giấy tờ để hưởng chế độ thì trách nhiệm thuộc về cán bộ cấp xã làm rất cẩu thả. Thậm chí, có cán bộ cấp xã biết hồ sơ giả mạo nhưng vì “quen thân” vẫn cố tình đặt bút phê để họ được hưởng chế độ sai quy định. Riêng trường hợp bà Tức không cố ý sai phạm mà sai phạm thuộc về trách nhiệm các cấp nên việc thu hồi chúng tôi phải xem xét cho có tình, có lý".

Thực tế để thu hồi lại số tiền đã chi trả sai đang là vấn đề nan giải với ngành chức năng huyện này. Bởi phần lớn những đối tượng bị thu hồi là người đồng bào, hoàn cảnh khó khăn. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu không thu hồi lại số tiền chi sai chế độ, gây thất thoát tiền Nhà nước thì ai, cơ quan, cấp nào đứng ra chịu trách nhiệm?

Doãn Công