1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Mẹ già đau đớn ngóng tin con mất tích trên biển Nhật Bản

(Dân trí) - Đã hai ngày nay, người thân hai thuyền viên Thiều Đình Thưởng (28 tuổi) và Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi) ở xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đứng ngồi không yên, bồn chồn ngóng tin con. Họ không tin con họ đã nhảy xuống vùng biển Nhật Bản để rồi mất tích.

"Tui vẫn không tin là con trai tui nhảy biển"

Ngày 12/10, ngay sau khi đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) xác định được danh tính 3 thuyền viên Việt Nam trên tàu tàu Hsiang Fur Far của Đài Loan (Trung Quốc) đã nhảy xuống biển tại khu vực gần cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản hôm 8/10 gồm: Lê Văn Thực (22 tuổi), Thiều Đình Thưởng (28 tuổi) và Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi), PV Dân trí đã về xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh - quê nhà của 2 lao động Thưởng và Ngà.

Con đường nhỏ dẫn vào nhà bà Hồ Thị Hương, 52 tuổi, mẹ của thuyền viên Thiều Đình Thưởng, khá đông người vào ra. Họ đến sẻ chia, động viên với nỗi đau buồn mà gia đình bà Hương đang trải qua. Bước vào căn nhà xây cấp 4, bà Hương nằm bẹp trên giường, miệng không ngớt gọi tên con. Đôi mắt bà đỏ hoe, khuôn mặt hốc hác.

Người thân của bà cho biết, đã hai ngày kể từ khi nhận được hung tin về con trai, đôi mắt bà Hương cứ nhìn ra ngõ. Bà mong gặp bất cứ ai mang đến những thông tin mới nhất về việc cứu nạn, tìm kiếm con trai ở xứ người.

Gặp chúng tôi, dù đang nằm vật vã trên giường, bà Hương bật dậy ngay, liên tục hỏi về tình hình con trai.


Đã hai ngày kể từ khi nhận được hung tin về con trai, đôi mắt bà Hương không lúc nào vơi nước mắt.

Đã hai ngày kể từ khi nhận được hung tin về con trai, đôi mắt bà Hương không lúc nào vơi nước mắt.

 

Nhắc đến đưa con trai đáng thương chưa biết số phận ra sao, bà Hương rớt nước mắt kể: “Tội lắm các chú à, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thằng Thưởng chỉ học xong cấp 1 rồi vào Nam kiếm sống. Chật vật bươn chải nhưng cũng không dành dụm được tiền, vợ chồng tôi bàn với nó về quê cưới vợ làm ăn. Nhưng về quê được mấy năm, công việc không có nên bạn bè kéo nhau đi xuất khẩu lao động cả. Thấy thế nó cũng xin bố mẹ đi một chuyến”.

Ông Thiều Hữu Kỳ, bố lao động Thưởng cũng đau buồn, bỏ ăn, bỏ ngủ hai ngày nay. “Sáng 12/10, bà Đặng Thị Mỹ đại diện Công ty TNHH Triện Mỹ (đơn vị môi giới Thưởng đi xuất khẩu lao động) ở thị xã Kỳ Anh đến nhà thông báo thằng Thưởng con trai tôi mất tích trên vùng biển Nhật Bản, các lực lượng chức năng tìm kiếm mấy ngày nay nhưng chưa thấy. Tôi nhận tin mà tim gan quặt thắt”, ông Kỳ nói.

Từ ngày nhận tin con mất tích, đôi mắt ông luôn dán vào màn hình ti vi để nghe ngóng, chờ đợi dẫu là một mẩu tin nhỏ về con. Điện thoại của ông cũng hoạt động không ngưng nghỉ, lúc nối máy với đơn vị trung gian, công ty đưa con ông xuất ngoại, lúc gọi cho các đơn vị chức năng trong tỉnh để nắm tình hình của con trai. “Không có tin chi về cháu nó, vợ chồng tui đau đớn lắm. Vợ chồng tui mong được nhìn thấy cháu nó…” – ông Kỳ buồn bã nói với chúng tôi.

Theo ông Kỳ, con trai ông xuất ngoại đến nay đã hơn 4 tháng, chừng đó thời gian anh Thưởng chỉ mới gọi điện được về nhà 1 lần, lần gọi đó là khi con ông vừa đặt chân tới Đài Loan.

Hỏi về lương thưởng, tiền con trai gửi về trả nợ, vợ chồng ông Kỳ bà Hương thở dài: “Các chú biết đó, điện thoại cũng không gọi về được cho bố mẹ huống hồ chi là lương thưởng. Nó chưa gửi được đồng nào, tiền vay tiền lãi vợ chồng tui ở nhà phải xoay trở, lo liệu. Vợ chồng tui cứ nghĩ cháu nó đi làm, chưa có thời gian, hôm nào sẽ gửi về luôn thể. Vậy mà không ngờ…”.

Cách nhà ông Kỳ- bà Hương không xa là gia đình bà Phạm Thị Hương, mẹ thuyền viên Nguyễn Đình Ngà. Một không khí đau buồn bao trùm lên căn nhà nhỏ. Bà Hương thẫn thờ, nghẹn ngào trước tin dữ về con trai. Ngồi cạnh bà, chị Nguyễn Thị Tâm (vợ anh Ngà) bế con nhỏ thơ dại, khuôn mặt bàng hoàng.

Mẹ và vợ thuyền viên Ngà thẩn thờ chờ đợi tin tức về con, chồng nơi xa xứ
Mẹ và vợ thuyền viên Ngà thẩn thờ chờ đợi tin tức về con, chồng nơi xa xứ

 

Bà Hương nói, đến giờ bà không tin con bà nhảy xuống biển bỏ trốn. “Trước khi con đi, tôi dặn dò với nó rồi, có khổ sở cũng phải bám tàu thuyền mà làm việc đến khi hết hợp đồng rồi về chứ đừng có bỏ trốn. Hôm đó không chỉ có tôi mà trước mặt vợ con, thằng Ngà nói mẹ yên tâm con đi mong có việc làm để gửi tiền về nuôi vợ con. Nay nhận tin dữ, tôi chết lặng” – bà Hương rơm rớm nước mắt kể.

Chưa nhận được tin từ đơn vị cung ứng lao động

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đình Tương - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh cho hay: “Chúng tôi đã nắm được thông tin trên qua báo chí chứ chưa nhận được thông tin từ đơn vị cung ứng lao động và các cơ quan liên quan nên chưa biết nguyên nhân vụ việc cụ thể như thế nào”.

Ông Tương cho biết thêm, Kỳ Anh là địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài lớn với 8.269 người trong đó 4.306 người đi xuất khẩu lao động có hợp đồng. Để hạn chế lao động bỏ trốn khi sang nước ngoài lao động, hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện đều tuyên truyền về tận các xã, đặc biệt là trường hợp bỏ trốn gửi công văn về tận gia đình xử phạt.

Tuy nhiên ông Tương thừa nhận, rất khó xử lý lao động bỏ trốn vì lao động không đi theo các công ty xuất khẩu lao động tại địa phương mà đi qua các cá nhân và trung tâm môi giới nên địa phương không kiểm soát được.

Văn Dũng – Tiến Hiệp