Mẹ Đại sứ Hồng Thạch kể về hành trình sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine
(Dân trí) - "Trước khi đi sơ tán, Đại sứ Thạch nhắn tôi cứ yên tâm đi cùng bà con. Còn Đại sứ ở lại Ukraine những ngày này để lo công việc được Đảng, Nhà nước giao phó", bà Phạm Thị Thanh Vang chia sẻ.
Hành trình vượt bão tuyết sơ tán khỏi vùng chiến sự
Chuyến bay QH9065 trên hành trình kéo dài hơn 10.000 km từ sân bay Warsaw (Ba Lan) về Hà Nội sáng nay (10/3) muộn hơn dự kiến hơn hai tiếng. Ngồi trên xe lăn và được người con trai đẩy ra sảnh nhà ga T2, bà Nguyễn Thị Kim Vân rơm rớm nước mắt vì mình và người thân đã được an toàn sau những ngày chạy khỏi vùng chiến sự ở Ukraine.
Người phụ nữ 70 tuổi (người Hà Nội) cho biết, gia đình bà sống ở Ukraine nhiều năm nay. Khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, bà Vân cùng một người con trai sơ tán sang Ba Lan. "Tôi bị liệt, sức khỏe yếu nhưng vẫn phải ngồi xe lăn hòa cùng dòng người vượt qua các cánh đồng đầy tuyết trắng đến Ba Lan để bảo toàn tính mạng. Nhiều lúc mệt quá tôi bị ngất đi, con trai tôi phải sốc lên để đi tiếp", bà Vân nhớ lại.
Rời Ukraine về Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Vang (mẹ của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch) cho biết, dù đã trải qua 4 cuộc chiến tranh, nhưng bà chưa từng thấy cuộc chiến nào ác liệt như vậy. Khi chiến tranh xảy ra, bà Vang (87 tuổi) cùng bà con Việt Kiều được sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Ukraine. "Trước khi đi, Đại sứ Thạch có nhắn tôi cứ yên tâm đi cùng bà con. Còn Đại sứ ở lại Ukraine những ngày này để lo công việc được Đảng, Nhà nước giao phó", bà Vang chia sẻ.
Trong số gần 300 người Việt Nam trở về từ Ukraine trên chuyến bay QH9066 sáng 10/3, bà Nguyễn Thị Bích (Hưng Yên) là một hành khách khá đặc biệt. Năm nay đã 75 tuổi, bà Bích di chuyển về Việt Nam một mình. Hành lý mang theo chỉ có một chiếc ba lô đã cũ, bên trong đựng quần áo rét, hộ chiếu cùng một ít tiền Ukraine để phòng thân.
"Khi tình hình bắt đầu căng thẳng, tôi đang ở Kiev. Ban đầu tôi dự định sẽ ở lại, nhưng sau khi phải ở dưới hầm trú ẩn 5 ngày, các con tôi đã yêu cầu di chuyển. Để sang được Warsaw - Ba Lan, chúng tôi phải di chuyển mất hai ngày, bằng mọi phương tiện, thậm chí đi bộ giữa trời tuyết lạnh thấu xương", bà Bích chia sẻ hành trình của mình.
Trong suốt hành trình này, bà Bích và mọi người luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. "Bà con người Việt rất tốt, cả người Ba Lan cũng thế. Ngay khi sang tới Ba Lan, chúng tôi đã được giúp đỡ, từ quần áo ấm đến đồ ăn, nước uống, thậm chí cả đồ chơi cho trẻ con", bà Bích vừa kể vừa mở ba lô, khoe chiếc áo khoác dày cộp đã nhận được tại Warsaw.
Lòng ngổn ngang mong chiến tranh sớm chấm dứt
Dẫn theo cậu con trai hơn 2 tuổi rời máy bay, chị Nguyễn Thị Yến (Hưng Yên) vẫn chưa thể tin mình về quê nhà trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. "Khoảng ngày 3/3, chúng tôi bắt đầu di chuyển từ Kharkov (Ukraine) hướng sang Ba Lan. Ban đầu, cả đoàn đi bằng tàu hỏa, sau đó chuyển sang thuê taxi. Mất tổng cộng 5 ngày thì mới sang được Warsaw", chị Yến nhớ lại.
Chị Yến cho biết, đặt chân đến biên giới, trời xuất hiện mưa tuyết rất lớn, nhiệt độ giảm sâu xuống âm 8 độ C. "Nhiệt độ quá thấp khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. May mắn là các bạn người Ba Lan đã hỗ trợ cho đoàn lều bạt để chống lại cái lạnh", chị Yến chia sẻ.
Về đến Việt Nam, lòng chị Nguyễn Thị Yến vẫn ngổn ngang bởi hầu hết tài sản trong 22 năm qua của chị đều ở lại Ukraine. Bần thần mở chiếc ba lô đã cũ xỉn, chị mang ra một bọc tiền được gói ghém rất kỹ rồi nói: "Chiến tranh xảy ra nhanh quá, không ai nghĩ được sự việc diễn ra gấp gáp như vậy, nên tôi chỉ kịp cầm vội theo ít UAH (đơn vị tiền tệ Ukraine) về. Toàn bộ chỉ có thế!".
Bên cạnh chị Nguyễn Thị Yến là cậu con trai hơn 2 tuổi, lũn cũn chạy nhảy khắp sảnh sân bay, không chú ý đến đôi mắt của mẹ đã đỏ hoe, rơm rớm nước. Chị Yến mong chiến tranh sớm kết thúc để có điều kiện quay lại Ukraine xem xét lại chút ít tài sản của mình sau bao nhiêu năm tích góp.
Nhiều năm sinh sống ở làng Thời đại tại Kharkov, ông Nguyễn Công Cường (tỉnh Thái Nguyên) tỏ ra mệt mỏi sau gần 10 ngày phải di chuyển liên tục. Ông Cường cho biết, 4 người trong gia đình ông đã mất đúng 3 ngày đêm không ngủ khi di chuyển bằng tàu hỏa về Warsaw.
"Các nhà ga đều chật ních người. Hầu hết chỉ kịp mang theo quần áo, hộ chiếu và một ít tiền mặt. 99% người ở khu làng Thời Đại ở Kharkov đều di chuyển, chỉ còn một số ít ở lại trông giữ tài sản", ông Cường cho hay.
Điều khiến ông Cường và người thân lo lắng nhất là con cháu của ông sinh ra và lớn lên tại Ukraine với vốn tiếng Việt rất hạn chế. "Không biết thời gian tới, các cháu sẽ học hành và sinh hoạt như thế nào", ông Cường lo lắng cho tương lai của gia đình.
Về đến Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Vân lo cho tính mạng của người con trai của mình vẫn đang bị kẹt lại ở Ukraine. Do vậy, điều bà Vân mong muốn nhất chiến tranh ở Ukraine sớm kết thúc để con trai của mình được an toàn. Bà Vân cho biết, do sơ tán gấp về Việt Nam nên không mang theo được thứ gì ngoài vài bộ quần áo. Khối của cải sau bao năm làm ăn còn nằm lại đó, bà Vân mong không bị chiến tranh tàn phá...