1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phi công Nga tiết lộ chiến thuật qua mặt phòng không Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một phi công điều khiển trực thăng Mi-35 của Nga tiết lộ về chiến thuật họ đang sử dụng để tránh trở thành mục tiêu của phòng không đối phương khi bay ở tầm thấp.

Phi công Nga tiết lộ chiến thuật qua mặt phòng không Ukraine - 1

Trực thăng quân sự Mi-35 (Ảnh: Wikipedia).

Eurasian Times đưa tin, phi công mật danh Wild Boar điều khiển trực thăng Mi-35 của Nga đã tiết lộ về chiến thuật bay vòng quanh tối đa tại một khu vực địa hình để làm giảm thiểu nguy cơ bị phòng không Ukraine nhằm mục tiêu.

Phi công Nga điều chỉnh chiến thuật bay vòng một cách linh hoạt tùy vào các đặc điểm địa hình cụ thể, ví dụ như khu vực có rừng, có dây điện và các yếu tố khác. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng, độ tin cậy của vũ khí và thiết bị trên Mi-35 cũng giúp họ một phần trong việc vượt qua những thách thức lớn khi bay ở tầm thấp để nhằm vào mục tiêu của Ukraine.

Phi công Nga thừa nhận, thách thức lớn nhất khi tác chiến tầm thấp là phải né tránh đối phương khi thiết bị của Ukraine dò ra vị trí trực thăng hoặc kích hoạt radar.

Chuyên gia Vikram Raghavan, một cựu phi công quân sự Ấn Độ, lý giải rằng các trực thăng tấn công thường sử dụng kỹ thuật bay theo đường vòng, ôm sát mặt đất mang tên NOE. Thuật ngữ này ám chỉ trực thăng sẽ bay ở độ cao rất thấp để tránh bị đối thủ phát hiện và tấn công trong môi trường tồn tại mối đe dọa nghiêm trọng.

Khi triển khai NOE, phi công có thể tận dụng địa hình sẵn có để ngăn radar hoặc hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) của đối phương truy dò trực thăng.

Theo giới quan sát, địa hình của Ukraine tương đối bằng phẳng nên vào ban ngày, máy bay Nga khá dễ bị phát hiện. Tỷ lệ bị dò ra vào ban ngày lên tới khoảng 70% và nếu trực thăng bị radar phát hiện, đó sẽ là kịch bản rủi ro cao, theo ông Raghavan.

Chuyên gia Ấn Độ nhận định, với địa hình phẳng như vậy, Nga dường như sẽ ưu tiên các nhiệm vụ ban đêm hơn ban ngày vì vào buổi tối, hầu hết MANPADS sẽ hoạt động không hiệu quả vì chúng dựa vào đường ngắm bắn và không nhiều loại được dẫn đường bằng hồng ngoại.

Trong một đoạn video do Nga công bố ghi lại hoạt động tác chiến của Mi-35, chuyên gia Raghavan chỉ ra, Nga thường chọn đường bay ở những khu vực có nhiều cây cối và dây điện khi trực thăng bay ở tầm rất thấp. Động thái này nhằm tránh bị phòng không đối phương phát hiện.

Ngoài ra, để tránh bị trúng hỏa lực đối phương, các quân nhân trên Mi-35 kích hoạt hệ thống phòng thủ trên trực thăng có nhiệm vụ can thiệp vào tên lửa Ukraine bằng nhiều dải tần vô tuyến, khiến cho quả đạn thay đổi đường bay chệch khỏi trực thăng. Mi-35 cũng nấp sau các tán cây, tấn công nhanh trước khi quay đầu lại, rút khỏi vị trí trước khi bị phát hiện.

Mi-35 là trực thăng chiến đấu và vận tải do Nga phát triển, với mục đích chính là phá hủy các phương tiện bọc thép của đối phương, hỗ trợ lực lượng mặt đất cũng như vận chuyển hàng hóa và quân đội.

Nó có kíp lái gồm 2 người, có thể đạt tới tốc độ 300km/h. Mi-35 là một khí tài quan trọng trong kho vũ khí quân sự của Nga khi có khả năng trốn tránh hỏa lực của đối phương và sở hữu vũ khí mạnh mẽ.

Mi-35 được chế tạo để có độ bền và khả năng sống sót cao trong chiến đấu. Buồng lái và động cơ bọc thép của Mi-35 được thiết kế để chịu được vũ khí nhỏ tấn công, trong khi các cánh quạt hạng nặng được chế tạo để đối phó nếu có mảnh đạn văng vào.

Các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và hệ thống tác chiến điện tử của trực thăng giúp Mi-35 có thể vô hiệu hóa hỏa lực của đối phương theo dõi máy bay.

Theo Eurasian Times