1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mấy vấn đề về đạo đức người làm báo trong bối cảnh hiện nay

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), ngày 18/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề "90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm".

Tại Hội thảo, Nhà báo Hữu Thọ, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã trình bày tham luận về vấn đề đạo đức người làm báo trong bối cảnh hiện nay. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận:

 

Mấy vấn đề về đạo đức người làm báo trong bối cảnh hiện nay
Nhà báo Hữu Thọ trình bày tham luận tại Hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm". Ảnh: Minh Quyết – TTXVN.



I. Hoạt động báo chí đang phát triển, đặc biệt phát triển rất mạnh trong thời kì đổi mới, hội nhập. Tôi không dẫn số liệu vì những năm gần đây năm nào cũng công bố số lượng và những đánh giá trong các cuộc họp báo chí hàng năm.

 

Đánh giá hoạt động báo chí có thể khái quát như đánh giá của Trung ương: Nhìn chung báo chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, báo chí đã phản ánh đa dạng cuộc sống phong phú, nhiều chiều, tích cực nêu gương nhân tố mới cùng với tích cực đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực; nhiều phóng viên đã xông xáo vào những vùng khó khăn để phản ánh chân thật cuộc sống của nhân dân, phản ánh kịp thời việc chống bão lũ và thiên tai; và đặc biệt phản ánh cuộc chiến đấu nhiều mặt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, biển đảo vừa qua đã được công chúng hoan nghênh, đánh giá cao sự đóng góp của các phương tiện truyền thông và các nhà báo.

 

Tuy nhiên những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ…, cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng uy tín của giới báo chí đang giảm sút.

 

Theo dõi thì thấy kỳ họp báo chí toàn quốc nào cũng được phê phán, nhắc nhở nhưng tôi có cảm giác là hiệu lực không cao, những sai phạm vẫn tiếp tục.

 

Vì sao có tình trạng đó? Đây là đề tài có thể thảo luận sôi nổi, và chắc chắn còn có nhiều ý kiến khác nhau, có cuộc hội thảo đã nêu ra 6 nguyên nhân. Với sự hiểu biết có hạn, tôi nghĩ, phải chăng những nguyên nhân chính là:

 

Trước hết, nhiều tờ báo hiện đang khó khăn cân đối thu chi cho nên một số tờ báo tìm cách đưa tin giật gân, câu khách để bán báo, câu số người truy nhập để có thêm quảng cáo, có tiền nuôi quân, giữ cây bút giỏi. Các số phụ, các trang tin điện tử ồ ạt ra đời trong mấy năm vừa rồi (đã có tới 1.500 trang thông tin điện tử), phải chăng là nguyên nhân quan trọng của xu thế thương mại hóa báo chí?

 

Nhưng nguyên nhân chính và căn bản phải nói tới việc kém rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của các Ban biên tập về hành vi đạo đức của những người viết báo, không chỉ là những người làm báo trẻ; trong đó trách nhiệm của các đồng chí Tổng biên tập các tờ báo là rất quan trọng.

 

Thực trạng đó đã làm cho tôi cảm thấy vấn đề đạo đức báo chí đang có vấn đề nghiêm trọng cần được đánh giá, phân tích và quyết tâm ngăn chặn để báo chí "tạo ra dư luận lành mạnh cổ vũ toàn dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước" như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI mở đầu thời kỳ đổi mới yêu cầu.

 

Có một vấn đề rất lớn và mới là trách nhiệm xã hội và đạo đức người làm báo khi xuất hiện báo mạng xã hội như đã có một cuộc hội thảo quy mô lớn vừa diễn ra.

 

II. Người ta hay nói về "quyền lực thứ tư” của báo chí. Tôi không thích thú với khái niệm này vì tôi nghĩ là không chính xác, đồng thời dễ gây ảo tưởng với những người làm báo, vì báo chí dù là tờ báo quan trọng nhất của tổ chức quan trọng nhất cũng không thể có quyền ra lệnh cho ai, bắt xã hội phải theo như các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng báo chí là một thế lực quan trọng vì nó có khả năng tạo ra dư luận mầm mống của những hành vi "đám đông", có cả mặt lợi và hại đối với ổn định để phát triển của một quốc gia.

 

Có nhà khoa học xã hội nước ngoài nói đại ý rằng, có ba thế lực đang chi phối hoạt động xã hội: đó là thế lực chính trị, thế lực tài chính và thế lực truyền thông. Vì là một thế lực quan trọng cho nên các thế lực khác đang tìm cách lợi dụng.

 

Không còn là dự báo nữa mà tôi xin phép được tổng hợp theo 4 nhóm mà báo chí bị lợi dụng, căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra trong hoạt động báo chí nước ta. Đó là:

 

- Lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc “thi”, không chỉ có chuyện "loạn Sao, loạn Hậu” mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị;

 

- Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị;

 

- Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân;

 

- Lợi dụng báo chí đế che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm...

 

Với nhà báo, có người đã lạnh lùng nói thẳng thừng "Nghèo thì mua nhà báo, giàu thì mua chủ báo". Cạm bẫy tiền bạc và danh vọng hão giăng ra, bủa vây không chỉ với những phóng viên mà với cả các người lãnh đạo tờ báo.

 

Khi đã có thế lực thì lại dễ nẩy sinh việc lạm dụng thế lực với những người thiếu bản lĩnh và đạo đức. Cũng như phần trên, không còn là dự báo mà tôi xin được tổng hợp những gì đang diễn ra trong giới báo chí và xin phép được tổng hợp thành 6 nhóm của những hành vi lạm dụng thế lực của một số nhà báo như:

 

- Ép, van nài, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng;

 

- Viết bài tâng bốc theo lối quảng cáo để nhận thù lao các kiểu;

 

- Mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người bị "tố cáo" để đòi tiền;

 

- Hùa nhau đánh thuê, đánh lên cao theo kiểu "Erostat đốt đền”;

 

- Viết bài bảo vệ tội phạm theo kiểu “dùng chữ nghĩa, hình ảnh để bảo kê”;

 

- Lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia đường dây chạy các thứ, kể cả chạy chức, chạy quyền... Những người bị lợi dụng hay lạm dụng như trên tôi vừa nói, thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm luật pháp. Họ thực sự không còn giữ được sự trung thực, thẳng thắn là cái cốt lõi trong đạo đức của người cầm bút, gõ máy.

 

Là một nghề giao tiếp rộng rãi cho nên cũng cần bàn về sự giao tiếp của người làm báo.

 

Bên cạnh nhiều nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của một số người như thái độ trịch thượng, ngạo mạn trong giao tiếp; cố chấp, không bao giờ chịu nhận là sai; khi sai không nhận lỗi, không cải chính...

 

Có người mỉa mai nói tới hai căn bệnh, đó là bệnh "lệch thị" tức là chỉ nhìn một phía của màu đen và "nghẽn tai" nghĩa là chỉ nghe một chiều thuận tai... Hai bệnh trên không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa rộng trong xã hội, rất nguy hiểm.

 

Thực sự, theo tôi thì đạo đức người làm báo, nói rộng ra là văn hóa báo chí đang có những vấn đề không nhỏ. Tôi nghĩ tại Đại hội Nhà báo sắp tới nên có thời gian thỏa đáng từ đại hội cơ sở để bàn sâu sắc trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ - Người Thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam mà vừa qua chúng ta đã kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người với nhiều hoạt động phong phú, trong đó có triển lãm "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam" do Hội Nhà báo tổ chức đã cho chúng ta thấy rõ hơn bản lĩnh, đạo đức, và phong cách của Người làm báo bậc Thầy.

 

Thưa các đồng chí, với tâm huyết của một người có nửa thế kỷ cầm bút, rất yêu quý cái nghề này và rất quý trọng các bạn đồng nghiệp, chỉ trải lòng tâm sự một vài điều, có gì nói quá mong các đồng chí thông cảm.

 

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam