Mây cuộn trào khổng lồ xuất hiện ở Bình Dương
(Dân trí) - Chuyên gia về thiên tai cho biết hiện tượng mây vần vũ kéo dài từ dưới đất lên bầu trời ở Bình Dương chiều nay là mây vũ tích. Mây này có thể hình thành tia sét và các loại thời tiết nghiêm trọng.
Chiều 31/8, nhiều người tại Bình Dương bất ngờ khi thấy đám mây đen vần vũ xuất hiện trên bầu trời. Mây theo hình xoắn ốc, chia thành nhiều tầng cuộn trào từ dưới mặt đất lên bầu trời.
Nhìn từ xa, đám mây giống như đám khói của một vụ cháy lớn đang cuồn cuộn bốc lên cao. Đám mây lớn, nhiều người ở các nơi như TP Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên… có thể quan sát rất rõ.
Mây kéo dài từ khoảng 16h đến tối. Trước khi xuất hiện hiện tượng này, những ngày trước đó trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra nhiều trận mưa lớn, gió mạnh gây ngập đường, cây xanh gãy đổ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về hiện tượng lạ này, ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về thiên tai cho biết, đây là mây vũ tích (tiếng Anh: Cumulonimbus cloud, từ tiếng Latin cumulus nghĩa là mây đống; nimbus nghĩa là mưa dông).
Theo ông Huy, đây là một loại mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng rất cao liên quan đến giông và sự bất thường khí quyển, hình thành hơi nước mang các dòng khí mạnh từ dưới mặt đất lên.
Mây vũ tích có thể tự hình thành trong các đám mây, hoặc cùng với các dòng gió mạnh. Loại mây này có khả năng sản sinh tia sét và các loại thời tiết nghiêm trọng khác như gió giật, mưa đá, và thỉnh thoảng có lốc xoáy.
"Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đang là vùng hội tụ giữa hai đới gió: Tây Nam từ phía vịnh Thái Lan đi lên và nhiễu động gió Đông trên cao đi từ biển Đông vào tạo ra vùng hội tụ nhiệt đới và gây mưa giông cục bộ trong các buổi chiều từ nay đến ngày 7/9", ông Huy nói.
Cũng trong chiều nay, nhiều khu vực tại Bình Dương có mưa kéo dài nhiều đợt, lượng mưa không gây ngập.