Máy bay Vietnam Airlines xịt lốp được ứng phó khẩn nguy như thế nào?
(Dân trí) - Vào thời điểm máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố khẩn nguy, tại sân bay Nội Bài đã có 10 chuyến bay phải tạm dừng cất-hạ cánh để nhường đường băng, hàng chục xe cứu hỏa và xe y tế đã điều động, lực lượng quân đội cũng được huy động sẵn sàng ứng phó.
Ông Đinh Việt Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (cơ quan điều hành bay) - cho biết, chuyến bay VN162 của Vietnam Airlines cất cánh từ Đà Nẵng lúc 8h59 đi Hà Nội, trên máy bay có 173 hành khách và phi hành đoàn, dự định hạ cánh xuống Nội Bài lúc 10h. Tuy nhiên, sau 30 phút bay, tổ lái chuyến bay VN162 đang ở độ cao 29.000 bộ (tương đương 8.850m), cách sân bay quốc tế Nội Bài 300km, tổ bay thông báo về Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) có sự cố về lốp bên trái thuộc hệ thống càng của máy bay.
"Tổ bay VN162 đã yêu cầu trợ giúp tại mặt đất, đề nghị bay chờ tại Hà Nam khoảng 15 phút để tiêu hao nhiên liệu, Tại Nội Bài, xe cứu thương và hàng chục xe cứu hỏa đã trải bọt trên đường cất-hạ cánh để tránh cháy nổ. Cùng với việc thực hiện các yêu cầu của tổ bay VN162, ACC Hà Nội tiến hành thông báo cho các cơ quan không lưu liên quan, Sở Chỉ huy khẩn nguy tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, hãng bay, kích hoạt hệ thống khẩn nguy theo quy định" - ông Thắng nhấn mạnh.
Lúc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đang trên đường tới dự sự kiện kỷ niệm 10 thành lập của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thì nhận được tin báo về sự cố từ ACC Hà Nội. Bộ trưởng đã yêu cầu quay đầu xe, tức tốc đi sân bay Nội Bài để trực tiếp chỉ đạo phối hợp xử lý tình huống ứng phó đối với chuyến bay VN162.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, lúc đầu máy bay có khả năng khẩn nguy cao phải thực hiện phun bọt để tạo trơn trượt trên đường băng. Tuy nhiên sau đó tổ lái báo lại chỉ có hiện tượng bị xịt lốp nên không xin phương án khẩn nguy cao. Nhận định lại tình huống này, Sở Chỉ huy khẩn nguy tại Nội Bài đã kiểm tra tình trạng bánh của máy trực tiếp bằng mắt thường thông qua ống nhòm và xác định có hiện tượng xì lốp, không có hiện tượng vỡ nổ lốp, bên trái bụng vẫn còn 1 lốp tốt nên đã quyết định cho máy bay hạ cánh thông thường.
Đưa ra phương án ứng phó cụ thể, ACC Hà Nội đã thống nhất với tổ lái đưa máy bay vào vùng chờ tại Hà Nam và xả dầu máy bay (tránh khu vực dân cư) để giảm khả năng rủi ro cháy nổ máy bay. Trên máy bay, hành khách chỉ được biết thời gian bay lâu hơn dự kiến và tổ bay không thông báo máy bay gặp sự cố để tránh xảy ra hoảng loạn.
“Vào thời điểm này cơ quan không lưu đã điều hành các chuyến bay khác ưu tiên vùng trời cho VN162, có 10 chuyến bay (cả quốc tế và quốc nội) được yêu cầu dừng cất-hạ cánh để nhường đường băng cho chuyến bay VN162 bay thông trường (tức là bay là là, không chạm đường băng).
Hàng chục xe cứu hỏa và xe y tế được điều động sẵn sàng ứng phó. Ngoài lực lượng hàng không còn có cả lực lượng quân đội là Sư đoàn 371, Trung đoàn 921, lực lượng của huyện Đông Anh và Sóc Sơn tham gia ứng phó chuyến bay VN162. Máy bay đáp xuống đường băng sân bay Nội Bài an toàn lúc 10h24 và chèn bánh lúc 10h30” - ông Thắng cho hay.
Kiểm tra kỹ thuật sau khi máy bay mất áp suất lốp hạ cánh an toàn. (Ảnh: Người lao động).
Khẩn trương lập tổ điều tra sự cố
Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết Cục Hàng không Việt Nam đã lập tổ điều tra sự cố và niêm phong chiếc bánh máy bay bị sự cố. Hiện tại Cục đang nhận định có 2 khả năng xảy ra: do có vật ngoại lai tác động khi chạy đà trên đường băng sân bay Đà Nẵng, gây rách lốp hoặc có thể do chất lượng lốp. Tuy nhiên nguyên nhân cuối cùng phải qua điều tra kỹ.
“Lúc 5h sáng, đường băng sân bay Đà Nẵng đã được kiểm tra an toàn, sau khi sự cố xảy ra với máy bay của Vietnam Airlines thì sân bay này được yêu cầu kiểm tra lại lần nữa và kết quả báo cáo khẳng định không có vấn đề gì” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh thông tin.
Chuyến bay VN162 của Vietnam Airlines gặp sự cố sáng 8/1 (ảnh minh họa).
Về phía hãng bay, ông Phan Xuân Đức - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - khẳng định: Trước khi đưa vào khai thác máy bay đã được kiểm tra và không bị hỏng hóc gì, hoạt động bình thường. Chuyến bay VN162 được điều hành bởi tổ lái nhiều kinh nghiệm, Cơ trưởng người nước ngoài và cơ phó người Việt Nam. Trước khi lên máy bay sức khỏe của các phi công đều tốt và quy chế ngủ nghỉ đúng quy định. Cũng theo ông Đức, sau khi chuyến bay VN162 đáp xuống Nội Bài an toàn, tổ bay đã phát thanh thông báo cho hành khách biết về sự cố.
Trả lời về việc nếu không phát hiện kịp thời để xử lý ứng phó thì sự cố nguy hại như thế nào? Ông Đinh Việt Thắng khẳng định: Tất cả các tình huống đều có phương án ứng phó và sẽ được triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất. Kể cả trường hợp bên trái phía sau máy bay bị mất 1 bánh thì vẫn có thể hạ cánh, nhưng phải xem bánh còn lại như thế nào để có phương án hạ cánh tối ưu nhất.
Theo ông Đinh Việt Thắng, đây là lần đầu tiên máy bay của Việt Nam phát hiện bị xịt lốp khi chuẩn bị hạ cánh. Năm 2014 và những năm trước đó đã từng ghi nhận một số chuyến bay của nước ngoài khai thác đến Nội Bài cũng xảy ra tình huống tương tự và các phương án ứng phó khẩn nguy đều được triển khai kịp thời.
Châu Như Quỳnh