Máy bay va trúng chim trời, hàng trăm khách phải chờ gần 13 tiếng khắc phục
(Dân trí) - Một chiếc máy bay bị chim trời va vào động cơ khiến bộ phận kỹ thuật mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Hàng trăm hành khách đã phải ngồi đợi gần 13 tiếng đồng hồ mới được lên máy bay rời Phú Quốc.
Chuyến bay VJ320 của Vietjet Air bay từ TPHCM đi Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong quá trình hạ cánh đã va phải chim trời.
Khi chuyến bay đã hạ cánh an toàn và đi vào sân đỗ, thợ kỹ thuật của hãng bay này đã phát hiện chim trời trong động cơ máy bay và phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể khắc phục xong hư hỏng.
Chuyến bay sau đó từ Phú Quốc đi phải chậm tới gần 13 tiếng so với kế hoạch. Cả trăm hành khách bị ảnh hưởng vì sự cố không ai mong muốn này, hãng bay đã thực hiện bồi thường cho hành khách theo quy định.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra với chuyến bay BL160 khi đang trong quá trình cất cánh từ Hà Nội đi Hongkong, cơ trưởng chuyến bay thông báo nghi ngờ máy bay va vào chim.
Cảng vụ Hàng không miền Bắc sau đó đã phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tiến hành kiểm tra trên đường cất/hạ cánh 11R/29L, nhưng không phát hiện xác chim hay các hiện tượng bất thường.
Trước đó, máy bay B777/HS-TKQ của Thai Airways thực hiện chuyến bay từ Bangkok về Nội Bài. Trong quá trình hạ cánh, tổ bay phát hiện có 1 con chim va vào phía mũi máy bay.
Sau khi máy bay hạ cánh và lăn vào vị trí đỗ an toàn, bộ phận kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra, thợ máy xác định máy bay vẫn đảm bảo khai thác.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, về lý thuyết, các máy bay lớn vẫn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2kg. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt.
Chiếc cánh gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác. Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ.
Các tổ lái thường lo ngại hơn khi gặp cả đàn chim bay trên trời. Trong khi đó, nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300 - 500m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được.
Hiện nay, các sân bay hay xảy ra sự cố liên quan đến chim trời nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh. Do các tỉnh phía Nam có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sống của chim, nơi di cư nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay.
Được biết, các cảng hàng không vẫn duy trì các biện pháp đuổi chim, ngăn ngừa chim xuất hiện thông qua các biện pháp triệt tiêu nguồn thức ăn của chim, nạo vét và cắt cỏ khu bay, khơi thông mương thoát nước để hạn chế sự cư trú và phát triển của chim…
Châu Như Quỳnh