Máy bay Malaysia tạm dừng tìm kiếm, thủy phi cơ Việt Nam vẫn cất cánh
(Dân trí) - Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết, từ sáng nay (12/3), Malaysia đã tạm dừng tìm kiếm máy bay nghi mất tích trong khu vực biển của Việt Nam để tập trung tìm kiếm ở vùng eo biển Malacca của nước này. Trong khi đó Việt Nam vẫn tích cực triển khai tìm kiếm.
Hiện Malaysia đã dừng tìm kiếm trong vùng FIR của Việt Nam
Theo đại diện Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, Malaysia cũng chưa gửi thông báo về kế hoạch sẽ bay tìm kiếm trong khu vực biển Đông của nước ta vào ngày mai.
Hiện nay hoạt động bay tìm kiếm trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR) đang được thực hiện bởi 3 nước là Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
“Maylaysia nhờ Việt Nam tiếp tục duy trì tìm kiếm máy bay mất tích của họ và nếu phát hiện thấy dấu hiệu nào thì hãy báo để họ biết. Tuy phủ nhận thông tin dò được tín hiệu từ radar cho thấy phát hiện máy bay tại Malacca nhưng Malaysia cho biết họ vẫn tiến hành tìm kiếm để không bỏ sót những dấu hiệu nào” - vị đại diện này cho hay.
Phạm vi tìm kiếm của máy bay AN26 bay mở rộng về phía Đông, cách Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60km (rộng khoảng 35.000km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi-171 sẽ tìm kiếm ở khu vực biển ngày hôm nay đã tìm (giữa đảo Phú Quốc và Thổ Chu, rộng hơn 5.000km2).
Diễn biến liên quan khác trong ngày hôm nay được ghi nhận là một người mang quốc tịch Newzeland đang làm việc cho đơn vị dầu khí của Nga trên vùng biển Vũng Tàu đã gửi e-mail đến Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không tại Hà Nội cho biết việc đã nhìn thấy một máy bay bốc cháy trước khi rơi xuống biển.
Ngay khi nhận được tin, Sở Chỉ huy đã điều một máy bay AN26 đến khu vực được thông báo để tìm kiếm các dấu vết, tuy nhiên máy bay của Việt Nam đã rà soát nhiều lượt ở các vị trí tọa độ khả nghi nhưng đều không phát hiện được gì.
Hôm qua, một máy bay của Vietnam Airlines hành trình từ Buôn Ma Thuột ra Hà Nội đã bắt được tín hiệu SOS trên khu vực Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi phát tin quan sát thì các chuyến bay cùng vùng trời lại không hề ghi nhận được. Hệ thống radar từ vùng Hồ Chí Minh đã bắt tín hiệu toàn vùng nhưng cũng không phát hiện tín hiệu SOS.
Gần 5 ngày trôi qua, Việt Nam đã triển khai lực lượng và phương tiện tổng lực, chuyên nghiệp nhất trong công tác hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia. Tuy chưa có dấu hiệu mới nhưng nhà chức trách hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo đúng quy định quốc tế.
Việt Nam vẫn tìm kiếm tích cực
Hướng tìm kiếm chiều nay (Ảnh: Công Quang)
Trong khi đó, hôm nay 12/3, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tàu bay Malaysia Airlines vẫn được các lực lượng không quân, hải quân của Việt Nam tiến hành đồng bộ, tích cực. Tại Sở chỉ huy tiền phương đặt trong trạm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), hoạt động tiếp nhận thông tin và triển khai phương tiện ra vùng nghi máy bay mất tích vẫn được tiến hành.
Hai số điện thoại đường dây nóng của Sở Chỉ huy tiền phương vẫn reo liên tục. Nhiều thông tin của ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển báo về được trực ban ghi chép cẩn thận; chuyển cho lực lượng tìm kiếm triển khai, xác minh.
Không chỉ phóng viên Việt Nam, phóng viên của nhiều hãng thông tấn quốc tế vẫn “bám trụ” tại Sở chỉ huy tiền phương để khai thác và chuyển thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.
Thủy phi cơ cất cánh ở sân bay Phú Quốc chiều 12/3 (Ảnh: Phạm Tâm)
Lúc 15h45, chiếc thủy phi cơ DH-C6 lại tiếp tục xuất phát từ sân bay Phú Quốc để tiến hành công việc tìm kiếm theo hướng Đông Đông Nam, vùng chồng lấn giữa Việt Nam - Campuchia.
Chiều cùng ngày, thông tin từ Vùng 5 Hải quân cho biết, 2 tàu của Vùng 5 Hải quân vẫn tiến hành hoạt động tìm kiếm theo sự điều hành của tàu cứu hộ SAR. Phạm vi tìm kiếm trong ngày hôm nay ở phía Nam của đảo Hòn Khoai 40 hải lý.
Ít khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển Việt Nam
Trao đổi tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá, thời tiết những ngày qua tại khu vực tiến hành tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia rất tốt và có thể nói là tầm quan sát xa nhất trên biển.
“Với lực lượng máy bay, tàu chúng ta huy động, từ phía Bắc vùng chồng lấn với Malaysia và Việt Nam, cùng với khu vực chúng ta mở rộng về phía bên phải hướng bay đã không phát hiện bất kỳ dấu hết nào của máy bat Malaysia. Trên khu vực vịnh Thái Lan và Nam Cà Mau, tàu cá chúng ta hoạt động rất nhiều và cũng chưa phát hiện bất kỳ dấu vết gì. Như vậy có thể nói, ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển của chúng ta đảm nhiệm”, Trung tướng Khuê nhận định.
Trung tướng Khuê cũng đề xuất nên xây dựng lại kế hoạch tìm kiếm cho phù hợp. Với tàu nên giữ nguyên vị trí các tàu để đảm bảo tìm kiếm và phối hợp, quản lý tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm. Về máy bay, nên xây dựng lại kế hoạch bay với tần suất bay phù hợp. Riêng với tàu HQ888 nên rút về vị trí ban đầu để thực hiện nhiệm vụ đang tiến hành.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (phải) và Trung tướng Trần Quang Khuê (giữa) vẫn tích cực chỉ đạo việc tìm kiếm tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Ảnh: Tiến Nguyên)
Sau khi nghe báo cáo, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã biểu dương các lực lượng sau 5 ngày tích cực tham gia tìm kiếm các thông tin liên quan đến máy bay Malaysia mất tích. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định, hiện phía Malaysia vẫn chưa có thông báo kết luận thông tin liên quan đến máy bay nên việc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục được tiến hành nghiêm túc. Thượng tướng Tỵ cho rằng nên giảm bớt tần suất tìm kiếm tại các khu vực đã tìm kiếm mấy ngày qua và mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên của hướng bay; đồng thời, tăng cường tìm kiếm trên bộ, tuyên truyền, thông báo cho người dân trên bộ cũng như ngư dân trên biển biết để báo tin cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện vấn đề nghi ngờ có liên quan đến máy bay.
“Về máy bay bay trực tiếp chỉ nên thực hiện từ 2 - 3 chiếc để thường xuyên quan sát, tìm kiếm, đồng thời bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên biển của chúng ta, khi phát hiện nghi vấn sẽ huy động các lực lượng tiến hành tìm kiếm. Về tàu, tôi đồng ý cho tàu HQ888 về vị trí cũ để thực hiện nhiệm vụ đang dở dang và duy trì tốt các tàu ở vị trí cũ.
Đối với các máy bay, tàu của bạn hoạt động trong khu vực tìm kiếm phải có sự quản lý chặt chẽ của Việt Nam, không để các tàu đi lại tự do. Khi phía Malaysia có thông báo chính thức thì sẽ có kế hoạch tiếp theo”, Thượng tướng Tỵ nói.
Như Quỳnh - Phạm Tâm - Công Quang - Tiến Nguyên