1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mắt xích là quản lý cán bộ

Từ mỗi cửa khẩu về đến các địa phương, mỗi chuyến hàng lậu, hàng giả phải qua bao nhiêu “cửa ải” mà tại sao vẫn “lọt lưới”? Từ quy định mỗi cán bộ chỉ được 01 ngôi nhà để ở, tại sao có những cán bộ lại có 5-6 ngôi nhà, mảnh đất khắp nơi?

Lạ thật! Quê em ở vùng sâu, vùng xa chẳng biết nhiều về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái lưu thông. Nó được “tuồn” từ đẩu từ đâu về mà em cũng chẳng biết, chỉ biết rằng nó rẻ thì mua. Dùng được hai, ba bữa thì hỏng. Bằng cách nào mà hàng giả “đi băng băng” tới quê xa như vậy. Từ cửa khẩu đến quê em cũng xa lắm.

Mắt xích là quản lý cán bộ
Lực lượng chức năng bắt giữ và kiểm tra hàng hóa buôn lậu vận chuyển qua địa phận tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

Mãi tới khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thái độ không hài lòng với kết quả công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, em mới vỡ lẽ. Ờ, hóa ra phần nhiều do cán bộ làm chưa đến nơi, đến chốn.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 về "Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại" cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng đã chỉ ra gian lận về thuế còn lớn, hàng giả, hàng nhái còn nhiều nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến than, khoáng sản, thuốc lá, vật tư nông nghiệp và các tỉnh để diễn ra tình trạng này là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị và An Giang. Đó cũng là các tỉnh biên giới quan trọng của đất nước.

Để hạn chế tình trạng này, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật, Chính phủ cũng đã ra nhiều văn bản về chống buôn lậu, gian lận thương mại nhưng tại sao tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn? Giới truyền thông cũng xác định được một số địa điểm được gọi là "thủ phủ của hàng rởm", hoặc ngay cả những bà nội trợ cũng biết hàng nhái nhan nhản khắp mọi nơi. Và ai cũng có quyền nghĩ rằng, hành vi ngang nhiên buôn bán hàng lậu, hàng rởm, hẳn phải có bảo kê, tiếp tay của cán bộ địa phương, của chính lực lượng được giao nhiệm vụ này từ biên giới đến các tỉnh nằm sâu trong nội địa, thì mới tồn tại được.

Mà đúng thế thật, từ vụ bắt giữ 10 container hàng hóa từ Trung Quốc khai sai chủng loại, xuất xứ, bước đầu đã có sự tiếp tay của hai công chức hải quan càng khiến dư luận có cơ sở để hoài nghi vào lực lượng chức năng.

Trong nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, tuy không nhiều, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, chiến sĩ vì vụ lợi, tha hóa, biến chất, tiếp tay, bỏ qua, bảo kê cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. “Có sự tiếp tay, không có làm sao nó tồn tại được các đồng chí? (…) Quản lý thị trường đông như thế làm sao không biết được?”.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị cần chú trọng công tác quản lý cán bộ công chức. Phải cương quyết buộc thôi việc những người bao che cho buôn lậu, bảo kê, làm ngơ cho tội phạm. Khi xử lý với những thông tin phản ánh về tiêu cực của cán bộ có thể chưa đủ cơ sở kết luận trước hết phải điều chuyển sang công tác khác, sau đó điều tra thận trọng, kết luận.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ chính quy; nâng cao trách nhiệm, chống tiêu cực, tham nhũng.

Đồng quan điểm này, tại một Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức, bà Evelyn Lam (Vụ trưởng Cơ quan cảnh sát Hong Kong) cũng chia sẻ: “Muốn phòng chống tham nhũng, tốt nhất phải minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Đặc biệt, cần phải thực hiện liêm chính ngay trong lực lượng thực thi chống tham nhũng. Luật pháp phải đủ mạnh và chặt chẽ để đủ sức răn đe những kẻ có ý định tham nhũng”.

Rõ ràng, điểm cốt lõi, mắt xích quan trọng ở đây vẫn là cán bộ làm trong các lực lượng chức năng. Nếu không có những “con sâu bỏ rầu nồi canh” thì dứt khoát hàng lậu, hàng giả sẽ được ngăn chặn đáng kể.

Lại nói về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Song, điều đáng nói ở đây là những người tiếp tay. 6 mảnh đất, ngôi nhà với những giấy tờ liên quan là cả một quy trình cấp phép và “hóa phép” một cá nhân không thể quyết định được. Sự nể nang, nịnh nọt khi ông còn đang đương chức? 6 ngôi nhà, mảnh đất chứ đâu phải là cái kim trong bọc!?

Lâu nay, người ta vẫn nói về hình ảnh “bứt dây, động rừng” để nói về tình trạng tham nhũng bởi nó liên quan đến nhiều người, nhiều quan hệ chằng chịt.

Trên thực tế, có những lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã kiên quyết xử lý những cán bộ cấp dưới có hành vi vi phạm để làm trong sạch đội ngũ, trong sạch cơ quan, đơn vị. Xử lý kiên quyết, kịp thời là biện pháp ngăn chặn, để họ cảnh tỉnh, biết dừng lại trước khi quá muộn để đừng đứng trước “vành móng ngựa”.

Theo Hiền Hòa

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam