“Mất hết rồi, nhà cũng không còn để về nữa”
(Dân trí) - Đó là câu nói cửa miệng của nhiều người dân huyện Mường Lát sau khi trải qua trận lũ lịch sử gần 100 năm qua. Nhiều bản làng tan hoang, hàng trăm ngôi nhà, tài sản của dân bị vùi lấp, trôi theo dòng nước lũ. Có những bản làng gần như bị “xóa sổ”.
“Không còn cái gì đâu”
Con đường dẫn vào bản Pọong, xã Tam Chung ngổn ngang những vết sạt lở. Bản làng vốn bình yên bỗng chốc trở nên tan hoang. Nhiều ngôi nhà giờ chỉ còn là bãi đất trống, những nhà còn sót lại cũng xiêu vẹo, ngập đầy bùn đất.
Đứng nhìn bản làng đổ nát, chị Hà Trị Yến, bản Pọong, buồn bã nói: “Người già ở đây lâu đời cũng chưa bao giờ thấy như thế này. Mưa ba ngày ba đêm, đồi núi sạt lở xuống lấp hết mấy nhà, nhà này lấp nhà kia xuống, trôi đi hết. Trưởng bản hô bà con chạy, sợ lắm, cả bản ai cũng khóc hết”.
Ánh nắng gay gắt sau đợt mưa lũ như làm hiện rõ hơn sự hoang tàn của bản Pọong. Đây đó trong bản, nhiều người dân chạy lũ tranh thủ về nhà đào bới trong đống đổ nát để nhặt nhạnh đồ đạc, tìm kiếm vật nuôi còn sót lại. Từ đầu đến cuối bản là cảnh những đống đổ nát, tan hoang, ngập ngụa trong bùn đất.
“Nước tràn xuống trôi hết, chồng thì bị bệnh không chạy được, phải bế đi, còn hai mẹ con chạy theo, nhà lụt hết. Bố mẹ ở trong chòi, chạy ra thì không thấy con lại khóc... Về xem nhà thì không ở được, lúa còn mấy bao nhưng toàn đất và nước. Gạo thì không còn ăn, chỉ ăn mì tôm”, vừa giặt lại đống quần áo nhuộm bùn đất, chị Hà Thị Về vừa nghẹn ngào khóc.
Cơn lũ ập đến bất ngờ, cả bản nháo nhác bỏ của chạy lấy người đến trú chân tại đồn biên phòng, trường học... Lũ đã rút, nhưng nhiều gia đình không còn nơi để trở về. Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn mọi thứ khi tài sản cũng bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Người dân nơi đây như đang kiệt quệ, gạo ăn, nước sinh hoạt và các nhu yếu phẩm đã gần cạn kiệt.
Đang tránh lũ tại trường Tiểu học Tam Chung, chị Lò Thị Đoàn vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi đó nghe tiếng động lớn, nhìn lên thì thấy cây cối cùng đất đá từ trên đồi đổ xuống, rồi mọi người hô nhau chạy. Nó cứ cuốn đi từng nhà, khi chạy được sang nhà này thì nó lại cuốn nhà khác khiến cho mọi người ai nấy cũng không lấy được một chút đồ dùng nào hết. Nhà nào có trẻ con thì ôm nhau cùng chạy trên đường, trâu bò thả cho nó chạy đi đâu thì chạy”.
Trong trí nhớ của nhiều người dân bản Pọong giờ đây là những hình ảnh khủng khiếp của cơn lũ lịch sử: “Lũ từ đâu đến không biết, nghe tiếng động lớn trên đồi, nhìn thấy nước, cây cối các loại lấy từng nhà đi. Mọi người chạy đôn chạy đáo, chạy đi nhà này, nhà kia lại sập. Ai cũng không kịp lấy đồ đạc. Nhà có trẻ thì ôm lấy con mà chạy, cùng nhau chạy trên đường. Trâu bò để cho nó chạy đi đâu thì tùy, miễn chạy lấy người là được”, chị Đoàn chia sẻ thêm.
Không chỉ gia đình chị Đoàn mà cả bản Pọng với 89 gia đình, hơn 400 nhân khẩu nháo nhác chạy khi cơn lũ ập đến. Giờ đây, người thì mất nhà, người còn nhà cũng chưa thể trở về vì bùn đất vùi lấp.
Trở về bản sau nhiều ngày cơn lũ đi qua, Chị Vi Thị Ót xót xa khi nhìn nhà cửa, tài sản trôi theo dòng nước lũ: “Không còn cái gì đâu, cái kho lúa, cái máy móc, cái gì cũng không còn, trôi hết. Ra ngoài ở tạm với họ thôi, giờ không còn nhà để về nữa”.
Vừa dọn cơm cúng người chết thì lũ ập đến
Khó có thể kể hết những khó khăn mà bản làng vùng biên Mường Lát đang phải đối mặt. Giờ đây, người dân cũng không biết phải bắt đầu từ đâu khi mọi thứ đến quá bất ngờ.
Nỗi đau nơi vùng lũ
“Mọi người chạy ra đường, xuống dưới kia suối cũng đang lũ, san hết ao của bản Lát, trẻ con thì khóc ầm lúc đấy, không biết là sống chết thế nào. Mấy anh em trú vào một khu nhà hoang”, chị Vi Thị Năm thất thần kể lại.
Nhớ lại thời khắc đó, chị Năm nghẹn ngào: “Ông nhà (bố tôi-PV) bị mất, đi chôn xong, mấy anh em trong bản về làm vía nhưng cũng chưa kịp ăn cơm, vừa làm cơm xong, dọn được vài mâm thì lũ bắt đầu về, mọi người hô nhau chạy tán loạn chẳng kịp lấy đồ đạc gì cả. Cho đến lúc này thì tâm trí loạn hết rồi, lúc nào cũng như đang chạy lũ. Ngủ cũng chẳng ngủ được”.
Với người dân bản Pọong, ngày 30/8 là một ngày không thể quên. Cơn lũ đổ ập xuống bản khiến người dân chỉ còn bộ quần áo trên người chạy thoát thân. Giờ đây, khi cơn lũ đã đi qua, các chiến sỹ biên phòng, công an, quân sự... đang về giúp bà con khắc phục hậu quả, dựng lại nhà cửa...
“Rất may cơn lũ xảy ra vào ban ngày nên người dân phát hiện và bỏ chạy kịp thời, còn nếu vào ban đêm thì không biết sẽ như thế nào nữa vì không nhìn thấy gì cả”, trưởng Công an xã Hoàng Văn Xùm cho biết.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, trước mắt, huyện hỗ trợ người dân bị mất nhà 7 triệu đồng, nếu sau này có nguồn sẽ tiếp tục hỗ trợ. Hiện tại, huyện đang tập trung để lo cái ăn, chỗ ở cho dân, đồng thời khẩn trương giải tỏa ách tắc giao thông để sớm thông tuyến đường lên huyện.
Về những gia đình không thể trở về nhà do tình trạng sạt lở có thể tiếp tục xảy ra, ông Cường cho biết, vấn đề này đoàn quy hoạch cũng đã vào khảo sát và sẽ có phương án trong thời gian tới.
Một số hình ảnh do phóng viên Dân trí ghi lại nơi cơn lũ quét qua:
Con đường vào bản tan tác sau lũ
Nhiều nhà dân ngập trong bùn đất
Người dân chưa thể khắc phục được hậu quả
Duy Tuyên