1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Mất 70 tỉ USD vì chính sách “hai giá” đất!

Gần 1 triệu tỉ đồng (tương đương gần 70 tỉ USD) đã bị thất thoát, lãng phí trong 10 năm, từ 1994 - 2004 do chính sách “hai giá” đối với đất ở đô thị. Đây là con số được GS-TS Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, tiết lộ sau những nghiên cứu, tính toán.

Ông Đặng Hùng Võ là người “sốc” đầu tiên

 

Cơ chế “hai giá” (tồn tại song song giá đất do Nhà nước quy định và giá đất trên thị trường) đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa số tiền của nhà đầu tư trả cho Nhà nước và số tiền từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên thị trường.

 

Thậm chí, ông Võ cũng phải thú nhận rằng chính ông đã “sốc” và sau rất nhiều lần kiểm tra rồi mới dám tin đó là con số đã được tính ở mức “an toàn” (thực tế có thể còn cao hơn). Nhà đầu tư chỉ phải trả rất ít tiền cho Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi, rồi ngay sau đó xây dựng kinh doanh nhà ở dạng nền nhà hoặc đã xây dựng xong nhà để tạo lãi suất dưới dạng siêu lợi nhuận.

 

Luận cứ nào để ông đưa ra con số thất thoát, lãng phí này?

 

Từ 1994 đến nay (cuối 1993 Luật Đất đai ra đời, công nhận một giá đất), chúng ta đã lấy bao nhiêu đất mà chủ yếu là đất nông nghiệp chuyển sang làm đất ở giao để thực hiện các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở. Tôi đã sử dụng số liệu từ kết quả kiểm kê đất đai toàn quốc 5 năm một lần từ năm 1990 đến 2005, trong 5 năm ấy tăng bao nhiêu đất ở tại đô thị, dữ liệu này cũng được so với dữ liệu từ nguồn thứ hai từ việc thống kê diện tích đất đã giao để thực hiện các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở.

 

Nghiên cứu của tôi “khoanh” lại ở phần đất ở tại đô thị - đây là phần diện tích “hấp dẫn” nhất và “đậm đà” nhất (cười), còn phần đất ở tại nông thôn cũng có nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều và cứ cho là phục vụ mục tiêu xã hội là chính.

 

Sau khi tách phần đất ở tại đô thị của từng vùng địa lý kinh tế như vùng núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, v.v... rồi từ đó nhân với độ chênh lệch giá giữa giá do Nhà nước quy định và giá thị trường tại các vùng đô thị để thu được tổng giá trị chênh lệch cho từng giai đoạn 5 năm, cộng lại cho kết quả cả 10 năm. Trong tính toán này tôi chưa nói đến đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở tại nông thôn. Kết luận là tổng chênh lệch giá trị cần tính trong 10 năm lên tới 998.000 tỉ đồng.

 

Làm sao có thể tính được một cách đầy đủ giá thị trường của tất cả các vùng trong cả nước từ nhiều năm trước?

 

Tất nhiên, cũng có thể vặn lại, làm sao biết được giá thị trường trong nhiều năm trước nhưng cũng có thể tạm tính được nếu hỏi dân buôn đất, họ nắm rất chắc. Tất nhiên, tôi đã nói việc tính toán này chẳng để buộc tội hay quy trách nhiệm cho ai nên đó cũng chỉ là số liệu tham khảo.

Mặc dù mọi tính toán chỉ là con số tương đối nhưng những người tính toán một cách nghiêm túc đều tính đến độ an toàn của kết quả! Kết quả này chỉ nhằm rút ra một chân lý: Nhận thức là quá trình, nếu chậm thì rất tốn kém!

 

Được biết, lúc đầu ông đã tính ra con số lớn hơn 70 tỉ USD nhiều lần?

 

Lúc đầu, tôi tính cả đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất ở tại nông thôn... nhưng nhiều dữ liệu về giá còn thiếu nên độ an toàn của phép tính chưa cao. Chưa cao thì chưa đưa vào tính. Từ 1990 đến hết 2004 mà chủ yếu dồn vào 5 năm gần đây, cả nước đã đưa vào thị trường 50.800 ha làm đất ở tại đô thị (không đất làm hạ tầng dùng chung), trong đó riêng Hà Nội là 2.300 ha và TPHCM là 10.500 ha.

 

Trong gần 1 triệu tỉ đồng thiệt hại này, phần của Nhà nước và phần của người dân là bao nhiêu?

 

Thiệt hại có cả hai, cả Nhà nước và người bị thu hồi đất nhưng rất khó bóc tách cụ thể ra thành từng phần riêng biệt. Nhà nước thì mất tiền, người dân có đất bị thu hồi thì không được đền bù thỏa đáng, còn nhà đầu tư thì gặt hái siêu lợi nhuận. Chính phần siêu lợi nhuận từ chênh lệch “hai giá” đã khiến cho nhà đầu tư có thể giữ giá hàng hóa trong nhiều năm liền mà không sợ bị lỗ, giá đất trên thị trường không thể giảm được nhiều.

 

Hơn 1.300 cán bộ, công chức bị khởi tố có liên quan đến đất đai

 

“Nghiên cứu này chỉ giới hạn trong phạm vi đất đai và muốn chứng minh sự chậm đổi mới, cái mà chúng ta cứ gán một cách hình thức cho đất đai một giá nào đấy và bắt thị trường phải theo nhưng thị trường không chịu theo giá hình thức đó” - ông Võ nói.

 

Mặc dù ông đã nói con số này không nhằm quy trách nhiệm cho ai nhưng, không lẽ chỉ đổ cho nhận thức?

 

Tôi chỉ dám chắc là không có trách nhiệm của tôi (cười...)! Vì tôi luôn muốn phải có cơ chế một giá đất. Tất cả đều là trách nhiệm tập thể, trong tập thể đó cũng có tôi nữa.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có những cảnh báo cụ thể?

 

Chúng ta phải mất đến 17 năm tính từ 1986 - năm bắt đầu đổi mới - mới đạt được hệ thống tài chính một giá đất. Bắt đầu là không chấp nhận đất có giá, rồi chấp nhận có giá nhưng giá do Nhà nước quy định. Trên thực tế giá thị trường vẫn tồn tại kể cả trong thời kỳ chúng ta nói đất không có giá. Có thể thấy rằng, lộ trình nhận thức của chúng ta quá dài và chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho lộ trình nhận thức đó.

 

Sự trả giá khác, đã có bao nhiêu cán bộ công chức đã phải hầu tòa, kỷ luật vì những sai phạm liên quan đến đất đai?

 

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ mà một báo nào đó mới đây có đề cập tới là trên 1.300 cán bộ, công chức bị khởi tố về tham nhũng liên quan đến đất đai. Số giám đốc Sở Địa chính trước đây nay là Sở Tài nguyên - Môi trường ở 64 tỉnh cũng lên tới gần chục người trong vòng lao lý hoặc đang bị điều tra.

 

Sắp tới, ông có định tính tiếp số tiền bị thất thoát do tham nhũng?

 

Đất đai trong thời gian vừa qua là đối tượng dễ lãng phí, tham nhũng nhất. Riêng lãng phí đã lớn như vậy thì không có lý gì lại khó tham nhũng. Tôi cũng định tính xem thất thoát bao nhiêu từ tham nhũng đất đai nhưng sự thực không đơn giản! Tôi nghĩ có thể tính được nếu có thêm số liệu thống kê của những vụ tham nhũng đất đai được công khai, bằng toán học thống kê có thể tính được kết quả với độ tin cậy nhất định.

 

Từ con số này, ông có thể so sánh với tổng GDP/năm của cả nước hay với số vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục năm 2006 là 10,2 tỉ USD và đưa ra một lời bình luận?

 

Tôi chưa tính nhưng sẽ tính chính xác và sau đó sẽ trao đổi trong một dịp khác.

 

Theo Thái An
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm