1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mạnh dạn cắt bỏ công chức “cắp ô” mới xử lý được vấn đề tiền lương

(Dân trí) - “Công chức, viên chức và Nhà nước cần phải thấy rằng vị trí nào không cần thiết phải mạnh dạn cắt bỏ mới xử lý được vấn đề tiền lương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nâng lương cơ sở để đảm bảo mức sống cho cán bộ công chức chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, để mức lương đảm bảo cuộc sống người lao động, vấn đề cốt lõi vẫn nằm trong việc tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy hành chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cho dù vào giữa năm 2016, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 5%, từ mức 1.150.000 đồng/tháng lên mức 1.210.000 đồng/tháng (tức tăng thêm 60.000 đồng) thì vẫn không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của công chức, viên chức, nhất là đối với những sinh viên mới ra trường?

Mức lương cơ sở của công chức, viên chức hiện nay chỉ bằng 44,2% mức tiền lương tối thiểu vùng là 2,6 triệu đồng/tháng. Còn nếu vào năm 2016 mức lương tối thiểu vùng tăng lên 12,4% thì mức lương cơ sở chỉ bằng gần 39,3%. Như vậy, lương cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối tượng mới ra trường. Chính vì vậy, năm 2015, Chính phủ đã quyết định nâng mức lương có hệ số dưới 2,34 thêm 8% để cải thiện đời sống người dân.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi vị trí nào không cần thiết phải mạnh dạn cắt bỏ mới xử lý được vấn đề tiền lương
Theo ông Bùi Sỹ Lợi vị trí nào không cần thiết phải mạnh dạn cắt bỏ mới xử lý được vấn đề tiền lương

Nhìn mức lương cơ sở hiện nay, rõ ràng chúng ta cần phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có câu chuyện hệ thống tiền lương của chúng ta không đồng đều giữa các lĩnh vực. Trong đó, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành nghề khác nhau. Điều đó, dẫn đến vấn đề tiền lương không còn thực chất.

Về mặt nguyên tắc tiền lương thì phần lương chính phải lớn hơn phần phụ cấp. Thế nhưng hiện nay, có những ngành phụ cấp bằng, thậm chí cao hơn lương chính. Do vây, vấn đề căn cơ nhất để cải cách tiền lương hiện nay không chỉ là tăng lương cơ sở mà thay đổi cả thang, bảng lương sao cho đúng vị trí việc làm của từng công chức.

Vậy tại sao chúng ta chưa thực hiện đồng bộ lộ trình cải cách tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức có thể yên tâm làm việc, không phải lo “chân trong - chân ngoài” như hiện nay?

Chúng ta chưa thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương do tốc độ tăng lương cũng như thu nhập của người lao động đang tăng nhanh hơn năng suất lao động. Do vậy nguồn lực của chúng ta đang hết sức khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần Chính phủ báo cáo Quốc hội là tạo nguồn lực điều chỉnh mức lương cơ sở vào năm 2016. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm chi và cũng tăng cường phối kết hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương.

Ngoài việc “thắt lưng, buộc bụng” trong chi tiêu công, theo ông liệu có phải chính sách tinh giản biên chế là giải pháp căn cơ nhất để có điều kiện tăng lương cán bộ, công chức, viên chức?

Xét một cách căn cơ thì chúng ta phải tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, từ đó mới giảm được lực lượng lao động theo hướng cắt bớt những người lao động không đáp ứng được nhiệm vụ. Để làm được điều đó, Chính phủ phải tăng cường các quyết sách trong việc sắp xếp lại lao động trong khu vực nhà nước với tinh thần xác định vị trí việc làm.

Qua đó, chúng ta sẽ tiến hành cải cách tiền lương một cách toàn diện. Các biện pháp đưa ra làm sao để tiền lương phản ánh thực chất theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Tiền lương phải đảm bảo là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.

Thực tế tinh giản biên chế là giải pháp được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng quá trình thực hiện không hiệu quả, dẫn đến bộ máy hành chính ngày càng phình ra, hậu quả của nó là ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách nhà nước?

Quá trình cải cách bộ máy hành chính không thể ngày một, ngày hai có thể làm ngay được vì giảm biên chế bất cứ ai cũng phải tính toán rất kỹ. Để làm được điều này phải căn cứ vào định mức lao động, xác định vị trí việc làm. Thế nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn thiện tất cả các bước đó.

Theo tôi, cả hai phía từ công chức, viên chức và Nhà nước cần thấy rằng vị trí nào không cần thiết thì phải mạnh dạn cắt bỏ thì mới xử lý được tiền lương. Nếu ai cũng dựa dẫm quá nhiều vào khu vực công thì rõ ràng không có nguồn lực cải cách chính sách tiền lương.

Cán bộ, công chức cần thấy được vai trò, vị trí của mình trong bộ máy Nhà nước nếu năng suất lao động không cao thì cũng phải thông cảm với Nhà nước khi thuộc diện tinh giản biên chế. Qua đó Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ để người lao động có điều kiện tìm việc mới đáp ứng đúng khả năng của bản thân.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)