“Ma men” gây tai nạn chết người có thể bị xử tội giết người?
(Dân trí) - Nhiều người đã chết trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên tiếp thời gian gần đây mà nguyên nhân do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra, gây bức xúc trong dư luận. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với TNGT gây chết người, có trường hợp có thể xử lý tội giết người.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu, bia gây TNGT”, do báo Giao thông tổ chức sáng 3/5. Tại đây, những vấn đề pháp lý và xử lý hình sự liên quan tới vi phạm nồng độ cồn đã được đại diện các cơ quan chức năng đề cập tới.
Tội giết người phải là cố ý
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang có 2 loại chế tài xử lý với hành vi vi phạm an toàn giao thông, trong đó có hành vi vi phạm liên quan đến điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, gồm: Xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46 và xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông (ATGT) có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng nếu không ngăn chặn kịp thời đã có chế tài xử lý hình sự. Có nghĩa là quy định về trường hợp vi phạm ATGT trong đó có uống rượu bia mà khả năng thực tế có thể gây chết người thì đã có chế tài xử lý hình sự chứ không cần hậu quả xảy ra. Việc này đã được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 và hiện đã được nhắc lại ở Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, đối với TNGT gây chết người, tùy từng trường hợp có trường hợp có thể xử lý tội giết người.
“Ví dụ tổ tuần tra kiểm soát, Cảnh sát giao thông dừng xe người vi phạm mà người đó lao thẳng xe vào tổ công tác để bỏ chạy thì có thể xử tội hành vi giết người với lỗi cố ý, gián tiếp biết hành vi của mình có thể gây hậu quả. Trường hợp do mâu thuẫn thù oán, sử dụng phương tiện giao thông làm công cụ gây án.”.
Còn đối với trường hợp gây TNGT cố ý vi phạm nhưng vô ý giết người thì không xử tội giết người được vì tội giết người là phải cố ý, cố ý trực tiếp (mong muốn hậu quả chết người xảy ra) và cố ý gián tiếp (bỏ mặc hậu quả giết người xảy ra)” - Luật sư Đặng Văn Cường dẫn giải.
Thực tế, có chế tài hình sự có thể xử lý khi chưa gây hậu quả Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, ông Cường cho biết hiện đang thiếu văn bản hướng dẫn về nội dung này, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào được coi là có nguy cơ gây hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Về phía Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra giải quyết TNGT - cho rằng, cần thiết lập một môi trường pháp lý ngăn chặn người sử dụng rượu bia tham gia giao thông là chế tài xử lý mạnh hơn và tính cưỡng chế. Cần thiết phải ràng buộc và ngăn chặn khả năng tiếp cận rượu bia một cách dễ dãi như hiện nay. Cần nhìn nhận một người đã uống rượu bia, sử dụng chất kích thích tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm, cần đưa vào Luật hình sự, cần có hướng dẫn chi tiết cho cái này để có thể ngăn chặn hiệu qủa.
“Đơn cử như pháp luật Nhật Bản hiện nay quy định việc xử lý hình sự người uống rượu bia tham gia giao thông, ngay cả khi chưa gây hậu quả. Những người liên đới cũng phải xử lý trách nhiệm hình sự như người ngồi trên xe biết tài xế uống rượu bia điều khiển xe nhưng không ngăn chặn; người bán rượu, người cho tài xế này uống rượu cũng bị liên đới trách nhiệm hình sự.” - Thượng tá Nguyễn Quang Nhật liên hệ với việc xử lý cùng hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT
Vấn đề định tội danh rất phức tạp
Đề cập tới việc định tội giết người đối với tài xế sử dụng rượu, bia gây TNGT chết người, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng: Vấn đề định tội danh rất phức tạp. Liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích mạnh gây hậu quả nghiêm trọng khi tham gia giao thông, chúng ta xử tội giết người hay xử tội vi phạm quy định tham gia giao thông? Hai loại tội này tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau rất xa.
“Tội giết người hình phạt thấp nhất trong cấu thành tội phạm cơ bản đã là 15 năm tù. Nếu là cấu thành tăng nặng thì có thể xử đến tử hình, trong khi tôi vi phạm quy định khi tham gia giao thông thì tối đa chỉ 15 năm tù, chỉ bằng mức tối đa của cấu thành cơ bản tội giết người. Để không xử oan người vô tội, cũng như không bỏ lọt tội phạm, cần xác định chính xác tội giết người hay tội vi phạm tham gia giao thông.” - ông Hà cho hay.
Theo đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, 2 tội này có 1 điểm khác nhau cơ bản nhất là lỗi. Nếu là lỗi cố ý với hành vi điều khiển phương tiện giao thông, cố ý gây cái chết cho nạn nhân thì là giết người. Còn nếu chúng ta chỉ chứng minh được họ cố ý với hành vi điều khiển phương tiện giao thông và vô ý hậu quả giết người thì trong trường hợp này không thể cấu thành tội danh giết người.
“Nhiệm vụ của chúng ta là phải chứng minh được họ cố ý hay vô ý. Có người điều khiển phương tiện giao thông, khi cán người, biết gây tai nạn đã cố tình lùi lại cán tiếp để nạn nhân chết, thì trường hợp này tội giết người là rõ ràng. Còn người điều khiển phương tiện giao thông đi quá tốc độ trong trạng thái say rượu bia, chất kích thích khác, rồi va quệt với phương tiện đi bên cạnh khiến người trên phương tiện đó ngã ra đường tử vong, thì rất khó xác định đó là lỗi cố ý. Mà không phải là lỗi cố ý gây hậu quả chết người thì không thể định tội là giết người.” - ông Hà nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh