1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ly kỳ cây sộp 300 tuổi và ngôi miếu cổ ở Phan Thiết

Nhiều chuyện ly kỳ về cây sộp cổ thụ hơn 300 tuổi và ngôi miếu cổ ở Phú Tài, TP Phan Thiết.

Cây sộp 300 tuổi

Khi biết chúng tôi muốn sưu khảo tư liệu về vùng đất Văn Thánh, Phú Tài, những người am tường cho rằng, phải biết tới cây sộp cổ của gia đình họ Đỗ. Đây là một “nhân chứng" có tuổi đời hàng trăm năm hiện vẫn đang phát triển tại nơi 'địa linh' này.

Văn Thánh được xem là đất xưa, trù phú ruộng vườn và cũng là nơi trung tâm hành chính cấp tỉnh của Bình Thuận một thời.

Từ đường Võ Văn Tần rẽ vào con đường đất nhỏ khoảng 200m, sau lưng những dãy nhà quê đã được đô thị hóa là một khung cảnh đẹp ngỡ ngàng. Giữa khu ruộng rộng lớn, sừng sững một cây sộp khổng lồ.

Cây sộp 300 tuổi ở Phan Thiết
Cây sộp 300 tuổi ở Phan Thiết

Con đường đất nhỏ men theo chân ruộng ngang qua cây sộp làm chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh “cây đa đầu làng” của làng quê Việt.

Cây sộp có chiều cao khoảng 50m, với dáng vẻ uy nguy, to lớn và mạnh mẽ. Do vào mùa sinh trưởng vừa thay lá nên tán cây sum sê, đường kính rộng hơn 40 mét bao quanh gốc, gồm cả phần rễ phụ rộng gần 20m.

Sộp là loài cây mà các nhà nghiên cứu thực vật xếp vào một trong tứ trụ (sanh, si, sung, sộp) thuộc hàng quý hiếm và đại diện cho trường trọ.

Ông Đỗ Văn Chính, 62 tuổi, đang sống tại ngôi nhà tự của họ Đỗ và là người quản lý, chăm sóc cây sộp cổ hàng ngày. Ông kể, theo gia phả họ Đỗ, tổ tiên của ông Chính từ 300 năm trước đã rời Quảng Nam vào Bình Thuận lập nghiệp.

Ngày ấy, 3 anh em họ Đỗ là nông dân nghèo khi đến Phan Thiết đã mê mẩn khi thấy đất đai trù phú và khí hậu mát mẻ.

Cây sộp có cành lá sum sê, tán rộng đường kính hơn 40 mét bao quanh gốc, gồm cả phần rễ phụ rộng gần 20m
Cây sộp có cành lá sum sê, tán rộng đường kính hơn 40 mét bao quanh gốc, gồm cả phần rễ phụ rộng gần 20m

Mỗi người trong số họ chọn một làng để dừng chân. Riêng ông Đỗ Hữu Dư là tổ tiên của ông Chính đã chọn vùng đất Đại Tài (nay là Phú Tài ) nằm bên cạnh con sông Cà Ty còn hoang sơ, ít người sinh sống làm nơi định cư. Ông khai hoang và dựng nhà trên mảnh ruộng của mình.

Ông Đỗ Hữu Dư
Ông Đỗ Hữu Dư

Nhưng rồi do nước sông Cà Ty thường dâng cao làm ngập lụt nhà nên ông Dư đã chọn một thuộc đất cao dưới tán cây sộp cổ thụ trong vùng để làm nhà. Khu đất và cây sộp ngày ấy được gia tộc họ Đỗ gìn giữ từ đó đến nay. "Như vậy, cây sộp đã có từ trước thời ông tổ của tôi là ông Đỗ Hữu Dư vào định cư, tức trên 300 năm", ông Đỗ Văn Chính khẳng định.

Những câu chuyện kỳ lạ

Nhiều bậc cao niên trong làng Phú Tài kể lại cây sộp này rất thiêng, nếu ai mạo phạm đến cây này xem như có chuyện.

Những người này còn kể thêm, trong thời thuộc Pháp, lính Pháp từng cho rằng cây sộp là đài quan sát của Việt Minh nên đã huy động một đơn vị chặt cây. Tuy nhiên, bất kỳ người lính nào trèo lên, vung dao được vài nhát là té lộn nhào. Ngay cả người chỉ huy trèo lên cây rồi xuống đất, chỉ vừa bước được vài bước thì đầu óc quay cuồng, lăn ra bất tỉnh...Từ đó lính Pháp không bao giờ dám bén mảng tới cây sộp nữa.

Cũng có người kể chuyện người Nhật nghi dưới gốc cây có tiền vàng nhưng không dám đào vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.

Một vị cao niên còn kể, những khi trong vùng lụt lội, dân làng đều đến tá túc dưới gốc cây sộp. Bởi vì đất dưới gốc cây sộp luôn khô ráo dù xung quanh nước có ngập trắng đồng

Ly kỳ cây sộp 300 tuổi và ngôi miếu cổ ở Phan Thiết

Cũng có người nói cây sộp này có khả năng dự báo thời tiết. Ngày xưa, người làng hễ thấy gốc cây chuyển sang màu trắng đục thì ngày mai trời bắt đầu có giông bão, còn màu vàng sẫm trong tháng đó nắng to.

Ông Võ Văn Dân, hiện là hộ tự đình Phú Tài kể với chúng tôi, nhà ông cũng ở gần cây sộp. Khi ông còn nhỏ, hằng năm tới mùa trái sộp chín, hàng ngàn con chim cu xanh trên rừng về ăn trái, đậu kín cả cây sộp.

Ông Dân cũng cho rằng đó là hình ảnh sống động nhất của câu tục ngữ “đất lành chim đậu” của Việt Nam ta (?!).

Với chúng tôi, những câu chuyện trên không biết đâu là thực-hư nhưng nó cũng góp phần tạo nên nhiều điều ly kỳ về cây sộp cổ thụ này.

Ngôi miếu cổ

Đứng từ xa nhìn lại không ai có thể ngờ rằng phía trong cây sộp cổ thụ um tùm lại có ngôi miếu cổ đã hàng trăm năm tuổi. Miếu thờ một người phụ nữ.

Một thành viên của gia tộc họ Đỗ kể, lúc nhỏ ông có nghe người lớn kể lại rằng, từ thuở khai sơn, một người con gái của gia tộc họ Đỗ bị tai nạn chết khi mới 15 – 16 tuổi. Theo phong tục, người con gái đó không được thờ trong nhà nên gia đình đã lập một ngôi miếu nhỏ dưới chân cây sộp. Đến giờ, gia tộc của ông vẫn gọi tên ngôi miếu này là miếu “Tổ cô họ Đỗ”.

Ngôi miếu cổ ở Phan Thiết
Ngôi miếu cổ ở Phan Thiết

Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, nhiều người cho rằng đây là ngôi miếu thờ bà Thủy thần-một trong năm vị nữ thần Ngũ hành nương nương theo phong tục dân gian của người Việt.

Cụ thể, ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hoả hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng ngàn; vùng trồng lúa, trồng màu thì thờ Thổ thần v.v…

Một số vị cao niên ở làng kể lại, trước năm 1975, cứ 3 năm một lần, người làng đều tổ chức cúng miếu rất linh đình, kéo dài 3 ngày 3 đêm. Những bà bóng rỗi và nhiều phường hát được mời đến hát múa theo phong tục của người miền Trung. Sau này, tục lệ trên dần mai một, gia tộc họ Đỗ hiện vẫn duy trì lễ cúng này nhưng quy mô nhỏ hơn.

Cần bảo tồn

Cây sộp hơn 300 tuổi này không chỉ đơn thuần là cổ thụ mà còn là một một “nhân“ chứng lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân cũng như lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Phan Thiết.

Đây cũng là một trường hợp đặc biệt hiếm có nằm trong danh sách những cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam nên cần được nhà nước bảo tồn, cắm bảng ghi danh... để các nhà văn hóa, nhà khoa học và cả người dân Phan Thiết lẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Theo Lê Huân

Vietnamnet