Lý giải loạt thay đổi quan trọng về BHXH, tác động hàng chục triệu người
(Dân trí) - Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu… là những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Sáng 17/8, những quy định mới và thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương và 136 điều, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10.
Theo tờ trình dự án Luật BHXH sửa đổi mà Chính phủ gửi Quốc hội, có nhiều thay đổi quan trọng được bổ sung, sửa đổi so với Luật BHXH năm 2014.
Đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội
Thay đổi đầu tiên, Chính phủ đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng.
Luật BHXH năm 2014 đã quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, dự thảo sửa đổi bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách từng thời kỳ.
Theo tính toán, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cho biết còn 2 loại ý kiến khác nhau.
Ý kiến tán thành cho rằng quy định này là phù hợp, nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng. Ý kiến ở chiều ngược lại đánh giá quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách này, nêu rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn…
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Một nội dung khác có sự thay đổi trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước…; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã…
"Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc", theo lý giải của Chính phủ.
Cơ bản ủng hộ quy định này khi tiến hành thẩm tra, song Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng việc này không phải "chìa khóa" duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Các cơ quan tham gia thẩm tra, góp ý kiến cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ một số nội dung liên quan các đối tượng được mở rộng tham gia BHXH bắt buộc.
Giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu
Một thay đổi quan trọng khác được thể hiện trong dự thảo Luật sửa đổi lần này là giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Việc này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu thay vì phải nhận BHXH một lần.
Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
"Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.
Thẩm tra về điều kiện hưởng lương hưu, Ủy ban Xã hội cho biết có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Nhưng loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm là phù hợp, tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần, có thể tham gia hoặc quay lại tham gia để được hưởng lương hưu.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về nội dung này để có cơ sở chọn phương án báo cáo Quốc hội.