1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lưu thông như thế nào trên hai tuyến cao tốc thông xe ngày 29/4?

Thế Hưng

(Dân trí) - Ngày mai (29/4), hai tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ chính thức thông xe. Người dân cần nắm được tổ chức giao thông để di chuyển thuận tiện trên đường.

Lưu thông như thế nào trên hai tuyến cao tốc thông xe ngày 29/4? - 1

Hai tuyến cao tốc sẽ được đưa vào khai thác đúng dịp nghỉ lễ 30/4 (Ảnh: Đỗ Quân).

Đối với cao tốc Mai Sơn - QL45, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối QL45 và QL47. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo hoạt động vận chuyển người và hàng hóa được an toàn, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các nút giao trên tuyến trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chưa thông xe, Bộ GTVT đã được ra phương án tổ chức phân luồng từ xa:

- Theo hướng Bắc - Nam, xe tải trên 10 tấn không được lưu thông.

- Xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Hà Lĩnh.

- Xe khách trên 16 chỗ ngồi được lưu thông từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Gia Miêu. Riêng đoạn Mai Sơn - Gia Miêu, phương tiện được phép lưu thông bắt đầu từ hôm nay (28/4).

Trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm trên cùng một chiều xe chạy. Mỗi vị trí dừng dài 270m.

Tốc độ tối đa là 80 km/h. Bộ GTVT đang giao chủ đầu tư nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h và sẽ điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.

Thời gian tới, Bộ GTVT bố trí dự kiến 2 trạm dừng nghỉ tại Km329+700 (hai bên đường cao tốc); đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 có tổng mức đầu tư khoảng 12.111 tỷ đồng do Bộ GTVT là chủ đầu tư. Ban QLDA Thăng Long là đại diện chủ đầu tư khởi công xây dựng từ tháng 9/2020.

Cao tốc có chiều dài 63,37km đi qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Điểm đầu tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Điểm cuối thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Đối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tốc độ lưu hành tối đa là 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h. 

Bộ GTVT dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ ở hai bên cao tốc tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Mặt bằng đã được giải phóng và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. 

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99km với tổng mức đầu tư khoảng gần 12.600 tỷ đồng, do Bộ GTVT là chủ đầu tư. Ban QLDA Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.

Điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 thuộc xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài gần 653km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).

Tính đến cuối tháng 4, Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (15,2km) và Cam Lộ - La Sơn (98,3km) đã đưa vào khai thác. Các dự án thành phần Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây chính thức đưa vào khai thác từ ngày 29/4.

Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8km) và dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (49,1km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5.

Các đoạn tuyến khác đã được Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể: 

QL45 - Nghi Sơn (43,28km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50km), cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (6,1km) dự kiến hoàn thành quý III và IV năm 2023.

Diễn Châu - Bãi Vọt (49,3km) Cam Lâm - Vĩnh Hảo (78,5km) hoàn thành trong năm 2024.