1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lương tối thiểu – “Lưới an toàn” bảo vệ người lao động yếu thế

(Dân trí) - “Bỏ lương tối thiểu, lao động cổ trắng (lao động kỹ thuật cao), dù có vị thế cao so với người sử dụng lao động thì cũng bị giảm sút về thu nhập và quyền lợi. Còn lao động cổ xanh (lao động phổ thông, yếu thế) thì rất dễ bị bần cùng hoá” – TS.Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cảnh báo.

- Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam đang có tốc độ tăng tiền lương tối thiểu nhanh hơn tăng năng suất lao động. Việc quy định lương tối thiểu, theo đó, không có ý nghĩa, thậm chí gây nhiều tác động tiêu cực, nên bỏ. Là đại diện cho cơ quan làm chính sách, giám sát chính sách trong lĩnh vực tiền lương, lao động nhiều năm qua, ông nhận định thế nào về quan điểm này?

- Đúng là hiện nay ở nước ta, tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng đang nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nếu đề xuất nên bỏ lương tối thiểu vùng thì cần phải xem xét, cân nhắc một cách thận trọng.

Tiền lương tối thiểu hiện đang được quy định trong hệ thống pháp luật lao động, có ý nghĩa đặc biệt trong thị trường lao động, khi mà cung lao động nhiều hơn cầu sử dụng như ở Việt Nam hiện nay (nhiều người cần việc làm hơn chỗ làm việc).

Trong quan hệ này, vị thế thương lượng của người lao động rất thấp, trong khi thương lượng tập thể cấp ngành, vùng chưa phát huy được vai trò. Khi đó, nhà nước, với tư cách là “bà đỡ”, là người khắc phục những khuyết tật của thị trường cần can thiệp để ấn định mức lương tối thiểu, bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho người lao động.

Và dù lương tối thiểu ở ta liên tục tăng, tăng ở tốc độ cao hơn năng suất lao động nhưng theo nhiều nghiên cứu, mức lương tối thiểu vẫn chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Trong bối cảnh như vậy, lương tối thiểu là một công cụ điều chỉnh của nhà nước, để đảm bảo tiền lương phải từng bước bảo đảm mức sống tối thiểu cho mọi người dân, nhất là người lao động làm công ăn lương.

TS.Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
TS.Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

- Nhưng kết quả nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, xét về tổng thể nền kinh tế thì tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm và lợi nhuận, ông có bình luận gì?

- Tôi không bình luận về phương pháp tính này. Tuy nhiên, đúng là tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp giảm lợi nhuận vì tiền lương và chi phí sản xuất tỷ lệ nghịch với lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng có điều, trong thực tiễn, khi tăng lương tối thiểu để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì đó cũng là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, khuyến khích thi đua sản xuất, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ nguyên tắc mức tăng tiền lương bình quân phải chậm hơn mức tăng năng suất lao động để bảo đảm quá trình tái sản xuất mở rộng và tích lũy.

- Ông nói về thực tế, lương tối thiểu được quy định hiện nay, dù qua nhiều lần điều chỉnh, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy, công cụ điều tiết của nhà nước có ý nghĩa thực chất khi được áp dụng suốt thời gian qua?

- Mục tiêu của chính sách tiền lương tối thiểu là nhằm bảo vệ người lao động, bảo đảm cho người lao động tái sản xuất sức lao động. Chính sách tiền lương tối thiểu còn có ý nghĩa trong việc loại trừ khả năng bóc lột có thể xảy ra đối với người lao động trước sức ép của thị trường. Khi cung lao động vượt cầu lao động (thị trường lao động của Việt Nam luôn ở trong tình trạng này) nếu không có “lưới an toàn” là tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định và đảm bảo thực hiện thì người sử dụng lao động có thể lợi dụng, gây sức ép nhằm trả công theo ý muốn.

Còn đối với nền kinh tế, lương tối thiểu là công cụ điều tiết của Nhà nước trên phạm vi toàn xã hội và trong từng cơ sở kinh tế nhằm bảo vệ sức mua cho các mức tiền lương trước sự gia tăng của lạm phát; loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng của thị trường lao động. Tiền lương tối thiểu không chỉ có chức năng bảo vệ lợi ích của người lao động mà còn đảm bảo lợi ích của người sử dụng lao động…

Bên cạnh đó, việc quy định mức lương tối thiểu còn là cơ sở để nhà nước làm căn cứ khi đưa ra các chính sách có liên quan đến phúc lợi xã hội, nhất là cho khu vực phi chính thức. Mức lương tối thiểu cũng là cơ sở tham chiếu cho người lao động trong khu vực phi chính thức xác định và thương lượng thu nhập của mình.

Bản chất tiền lương tối thiểu là hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm người lao động yếu thế.
Bản chất tiền lương tối thiểu là hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm người lao động yếu thế.

- Ý ông là bỏ lương tối thiểu sẽ gây những tác động tiêu cực tới cả người lao động, người sử dụng lao động cũng như nền kinh tế?

- Trong bối cảnh nước ta, việc bỏ quy định lương tối thiểu sẽ có rất nhiều tác động tiêu cực đến người lao động. Đối với lao động cổ trắng (lao động chất lượng cao, tỷ kệ thất nghiệp thấp, có vị thế thương lượng cao hơn với chủ sử dụng lao động) thì thu nhập và quyền lợi sẽ bị giảm sút. Đối với lao động cổ xanh (lao động phổ thông, yếu thế) thì sẽ rất dễ bị bần cùng hóa.

Những tác động tiêu cực này hoàn toàn đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước cũng như nguyện vọng của nhân dân, người lao động. Theo tôi, để xảy ra việc như vậy là hoàn toàn không ổn.

- Thực tế, năm nào cuộc thương lượng giằng co giữa giới chủ với người lao động về việc điều chỉnh lương tối thiểu cũng rất găng mà sau cùng, mức điều chỉnh vẫn chưa tiệm cận được với đời sống. Làm sao để việc xây dựng lương tối thiểu đảm bảo minh bạch, hài hòa, để lương tối thiểu thực sự là công cụ điều tiết hiệu quả của nhà nước?

- Mức lương tối thiểu được xây dựng trên nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ, hệ thống nhu cầu tối thiểu này bao gồm các nhu cầu sinh học và nhu cầu xã hội bao gồm: nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, y tế, sinh hoạt văn hóa, giao tiếp xã hội, nuôi con…Những căn cứ để xác định lương tối thiểu như vậy đã tương đối minh bạch, được quy định trong luật cũng như theo khuyến nghị của ILO.

Về bản chất, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế nên ở nhiều nước, việc công bố mức lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng khoảng từ 10% đến 20% người lao động thuộc nhóm có mức lương thấp nhất, làm việc trong những ngành, nghề yếu thế. Nhưng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu này.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo