Lương 10 triệu mà thường xuyên chơi golf, đi spa!

(Dân trí) - “Bạn tôi nhiều người giàu lắm, cho con đi du học, sống xa hoa, trong khi lương họ cũng như tôi. Vậy họ có phải giải trình không? Dân họ hỏi quan chức lấy ở đâu ra mà lắm tiền thế...", đại biểu Bùi Thị An lên tiếng.

Nằm vùng” 3 năm mới ra việc lại bị điều chuyển

Tại buổi thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều 2/11, đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội phân tích, quy định kê khai tài sản đã thực hiện 7 năm nay nhưng vẫn chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát thu nhập, tài sản dù từ nguồn chính đáng, tham ô hay rửa tiền… Trong khi đó, kê khai tài sản chỉ là một phần nhỏ của việc kiểm soát thu nhập

Ông Quyền đặt vấn đề phải kiểm soát được thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội chứ không chỉ người có chức có quyền. Tuy nhiên, đại biểu không tán thành đề xuất mở rộng đối tượng buộc kê khai tài sản tới tất cả các Đảng viên (trừ người đã nghỉ hưu). Mở rộng đối tượng sẽ chỉ làm việc triển khai hình thức hơn.
Chống “giải cứu” bằng việc điều chuyển cán bộ có dấu hiệu tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: "Điều chuyển cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, người dân sẽ nghi ngờ là thao tác... giải cứu".

Ngoài ra, ông Quyền đề nghị phải quy định rõ cơ chế xác minh về độ xác thực của bản kê khai tài sản. “Như chúng ta thấy hiện nay, việc xác minh tài sản, chỉ giao cho một vài đồng chí đi xác minh thì làm sao thực chất được. Ở các nước, khi có xác minh về tài sản người ta giao cho cơ quan điều tra đi xác minh. Những vấn đề này chưa quy định rõ thì chế định kê khai, minh bạch tài sản khó đem lại hiệu quả phòng ngừa tham nhũng như mục tiêu đề ra” – ông Quyền nói.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp tán thành lập luận chưa nên niêm yết công khai bản kê tài sản tại nơi cư trú của cán bộ vì theo ông Quyền có thực hiện thao tác này, khả năng phát hiện tham nhũng cũng rất thấp vì ngay cơ quan điều tra có nhiều nghiệp vụ mới phát hiện được, khó có chuyện chỉ xem bản kê mà “đọc” được tham nhũng. Việc này chỉ có tác dụng nhắc nhở cán bộ phải có trách nhiệm kê khai, minh bạch tài sản, không nhiều ý nghĩa trong việc phòng tham nhũng.

Đối với quy định về biện pháp phòng ngừa luân chuyển, điều chuyển cán bộ, ông Quyền cho biết, vừa qua, địa phương nào cũng kêu… tắc.

Đại biểu dẫn chứng: “Đối với một trinh sát, phải “nằm vùng” 3 năm người ta mới có thông tin về địa bàn được giao thì lại điều chuyển đi nơi khác, làm sao phát huy được hiệu quả.

Còn đặt vấn đề đình chỉ, điều chuyển công tác khi cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, ông Quyền cảnh báo sẽ vướng khi thực hiện vì việc này liên quan trực tiếp đến quyền của công dân, công chức do Hiến pháp quy định.

“Phải quy định rõ trong luật thế nào là có dấu hiệu tham nhũng. Ngoài ra, tôi đồng ý nếu thấy có dấu hiệu tham nhũng cần đình chỉ công tác với cán bộ nhưng không cho phép điều chuyển người dân sẽ bức xúc cho rằng như vậy có khác nào “giải cứu” cán bộ” – ông Quyền phân tích.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) tán thành với những phân tích của ông Quyền về vấn đề kê khai tài sản. Theo đại biểu, người dân rất băn khoăn, nhiều đồng chí lãnh đạo rất giàu, nhưng khi kê khai thì tài sản chẳng có gì, chứng tỏ việc kê khai tài sản còn hình thức. Thực tế, việc kê khai này không có tác dụng lớn đối với phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải công khai tài sản thì rất hình thức, để phòng chống tham nhũng thì việc kê khai tài sản chỉ nên tập trung vào những người có chức quyền. Bà Thanh cũng đề xuất thay vì công khai tài sản ở nơi cư trú thì nên công khai tài sản của đối tượng thuộc diện phải kê khai trong hồ sơ của họ trên mạng. Các vụ tham nhũng hiện nay hầu hết do nhân dân, báo chí phát hiện. Công khai trên mạng cũng là điều kiện tốt để nhân dân phát hiện tham nhũng.

Nữ đại biểu “gật đầu” với cách đặt vấn đề không chuyển công tác mà chỉ tạm đình chỉ đối với người có dấu hiệu tham nhũng. Nhưng phải quy định thời gian tạm đình chỉ, tránh tình trạng cứ đình chỉ rồi để đó mà không điều tra.

"Thế giới ngầm" tồn tại trong nhiều lĩnh vực
 
Đại biểu Bùi Thị An: Cán bộ làm công ăn lương vẫn sống xa hoa, cho con đi du học.
Đại biểu Bùi Thị An: "Cán bộ làm công ăn lương vẫn sống xa hoa, cho con đi du học".

Về quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật đề cập chưa rõ ràng, nhất là khái niệm người đứng đầu. Thực tế, hiện các địa phương rất lúng túng trong việc xác định trách nhiệm người đứng đầu, nhất là những người liên đới. Luật sửa đổi cũng chưa làm rõ được khái niệm này. Vì thế, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải giải thích rõ ngay trong Luật.

“Ở nước ngoài có bê bối xảy ra là người đứng đầu phải từ chức. Ở ta, ai cũng nói làm đúng quy trình nhưng hệ quả thì rất tệ. Vì vậy, phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng ngành, từng cấp” - đại biểu Bùi Thị An đề xuất.

Một số đại biểu cho rằng, nghĩa vụ giải trình tài sản cũng chưa được làm rõ. Người giải trình là ai, đối tượng giải trình, quy trình giải trình như thế nào.. đều chưa rõ. Cán bộ lương chỉ 10 triệu nhưng thường xuyên đi chơi golf, spa... thì có phải giải trình không?

Vẫn là đại biểu An lên tiếng: “Bạn tôi nhiều người giàu lắm, cho con đi du học, sống xa hoa, trong khi lương họ cũng như tôi. Vậy họ có phải giải trình không? Dân họ hỏi quan chức lấy ở đâu ra mà lắm tiền thế. Kể cả nhiều doanh nghiệp, dân họ nghi ngờ làm giàu bất chính, vậy có phải giải trình không?”.

Đại biểu Bùi Thị An cũng đánh giá, đại đa số việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, còn lại các cơ quan đoàn thể, cấp ủy phát hiện rất ít. Vậy người phát hiện tham nhũng phải được bảo vệ thế nào, vì hiện nay cơ chế này chưa rõ ràng khiến người dân e ngại. Thực tế, người dân chỉ khi tin cán bộ thì họ mới nói ra sự phát hiện của mình vì họ cho rằng cách tiếp nhận thông tin hiện nay chưa minh bạch. Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần rõ ràng hơn.

Bà Bùi Thị An cũng thể hiện nỗi lo về “thế giới ngầm” đang tồn tại trong tất cả các lĩnh vực từ buôn lậu, tiền tệ, khai thác khoáng sản, chạy chức chạy quyền, vì thế chứng cứ để chống tham nhũng là rất khó khăn. Nếu không triệt được thế giới ngầm thì không thể chống  tham nhũng được. Thế giới ngầm phá nát mọi vấn đề. 

Nữ đại biểu nhắc lại quan điểm của mình khi đề nghị xây dựng UB chống tham nhũng độc lập, để họ không bị lệ thuộc bất cứ điều gì, bất cứ ai trong quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Đồng thời, những người làm công tác phòng chống tham nhũng phải được bảo đảm thu nhập đủ sống, không để họ phải lo toan về đời sống.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nêu yêu cầu, luật lần này cần chống được vấn đề lợi ích nhóm đang rất nhức nhối hiện nay, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm…

P.Thảo