Lười điều tra, dùng cách đánh đập để lấy lời khai
(Dân trí) - Nói về nguyên nhân dẫn đến án oan, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, do cán bộ lười điều tra, lấy đánh đập để buộc đối tượng phải khai. Cũng phải kể đến đạo đức công vụ kém dẫn đến coi thường sức khỏe, tính mạng con người.
Ngày 23/10, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích rõ những vấn đề liên quan đến án oan xảy ra trong thời gian qua là do một số cán bộ chứ không phải tất cả và điều này cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan để xảy ra sự việc đó.
Qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tội phạm tại các nhà tạm giam, tạm giữ hiện nay ra sao, thưa ông?
Cá nhân tôi nhận thấy chỗ ăn ở của phạm nhân tương đối tốt - còn tốt hơn sinh viên thời xưa. Trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn, Nhà nước vẫn đảm bảo chế độ của phạm nhân. Tình trạng ốm đau của tù nhân rất ít. Tuy nhiên, tình trạng mang vật cấm vào trại còn xảy ra ở một số nơi, đặc biệt là ma túy, với thủ đoạn rất tinh vi.
Cũng phải nói rằng dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng do các nhà tạm giam, tạm giữ bị quá tải nên quy định 2m2/chỗ nằm chưa đạt được. Ở góc độ tư pháp, chúng tôi đã có kiến nghị Chính phủ cần có lộ trình nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để bảo đảm diện tích chỗ nằm cho phạm nhân.
Ông vừa nói đến tình trạng trại giam đang bị quá tải. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có phải do giam cả những đối tượng phạm tội chưa đến mức phải tạm giam hay không?
Cũng có một số trường hợp như vậy. Chúng tôi đã kiến nghị, trong luật cũng có quy định không tạm giam mà áp dụng các biện pháp khác như cho bảo lãnh, cho đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú. Thực tế làm được điều đó rất khó. Ví như loại tội phạm ít nghiêm trọng (2 năm tù trở xuống) suốt ngày đi trộm cắp vặt gây bức xúc trong xã hội. Khi bị phát hiện thì đối tượng trốn, không bắt giữ được, không xét xử được.
Những khó khăn trên, có một phần bất cập do pháp luật, về căn cứ tạm giam, sau này phải sửa cho rõ, những trường hợp đáng thì phải giam. Những trường hợp có thể không phải giam thì mở rộng điều kiện, nâng cao trách nhiệm của người bảo lãnh nếu đối tượng bỏ trốn. Hiện nay, việc cho bảo lãnh không có điều kiện ràng buộc khiến đối tượng bỏ trốn.
Theo ông việc phê duyệt Công ước Chống tra tấn liệu tình trạng án oan có giảm được không?
Đối với án oan sai là do một số cán bộ chứ không phải tất cả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là do năng lực cán bộ, lười tiến hành các biện pháp điều tra, lấy việc đánh đập để buộc đối tượng phải khai ra, rồi từ đó mới điều tra. Thứ hai là đạo đức công vụ kém, coi thường sức khỏe, tính mạng con người, đánh người có thể vì bệnh thành tích.
Tôi cho rằng, muốn chấn chỉnh vấn đề trên trước hết phải quy trách nhiệm người đứng đầu, nơi nào xảy ra là phải cách chức người đứng đầu, chứ không thể nắm tay được hết cán bộ chiến sĩ. Chúng tôi đã có rất nhiều năm trực tiếp đấu tranh chống tội phạm, họ ngoan cố, lì lợm nhưng phải có chiến thuật, nghệ thuật của việc xét hỏi, hỏi vòng quanh đi tìm kiếm chứng cớ khác, khi đã đủ chứng cớ tự nó sẽ thú tội.
Quan điểm của ông thế nào về việc đưa quyền im lặng vào luật?
Quyền im lặng khi có luật sư, luật pháp và công ước quốc tế quy định như thế. Còn quyền im lặng không là không đúng. Quy định đó rất hay nhưng chưa thể áp dụng được ở Việt Nam. Trong thực tế có người bị bắt nhầm, bắt oan phải để cho họ đươc nói là họ bị oan để cơ quan xác minh kịp thời trả tự do.
Không phải cơ quan điều tra ngại chuyện này, mà đây là chuyện kiểu như “vẽ đường cho hươu chạy” để bọn tội phạm lộng hành. Hơn nữa, thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền. Tôi nói là đúng như thế, vì thực tế những vụ việc Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như… mà lại nói không có tội là rất một chiều.
Tôi luôn nói rằng trong đấu tranh chống tội phạm phải dung hòa giữa bên Nhà nước và lợi ích công dân. Nếu quá chặt chẽ với cơ quan tố tụng thì sẽ bó tay trong cuộc chiến chống tội phạm. Nhưng nếu quá nới rộng, quá tạo điều kiện thì lại dễ vi phạm quyền công dân.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)