Lùm xùm dự án xây dựng Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ phát hiện tại công trình xây dựng Trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ Hoà Bình, chủ đầu tư đã sử dụng đơn giá quá cao so với giá cả thực tế trên thị trường. Điều này dẫn đến giá trị chênh lệch tăng giữa dự toán, nghiệm thu, thanh quyết toán so với thực tế số tiền trên 3,8 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2010 Văn phòng Tỉnh uỷ Hoà Bình triển khai công tác lập, thẩm định và trình UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt dự án đầu tư Trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ và các Ban xây dựng Đảng tỉnh Hoà Bình; nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung ngân sách tỉnh và nguồn vốn khác từ kế hoạch 2009.

Ngày 28/11/2014, UBND tỉnh Hoà Bình có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, tổng mức đầu tư 133,3 tỷ đồng. Nội dung điều chỉnh là cắt giảm quy mô đầu tư các hạng mục công trình gồm Nhà khách, nhà ăn Văn phòng Tỉnh uỷ, Trụ sở Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trụ sở Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, nhà công vụ, nhà công an bảo vệ, cải tạo sửa chữa Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, sửa chữa hội trường các ban Đảng…Đồng thời bổ sung quy mô thiết kế Trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ.

Công ty Hoàng Sơn được chỉ định, trúng thầu rất nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Hoà Bình (Ảnh: Hoangsonvietnam.vn)
Công ty Hoàng Sơn được chỉ định, trúng thầu rất nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Hoà Bình (Ảnh: Hoangsonvietnam.vn)

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình thực hiện sau khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (?!). Quá trình thực hiện các hạng mục công trình mới phát sinh bổ sung được điều chỉnh bằng văn bản không có hồ sơ thiết kế và dự toán phê duyệt, đã triển khai thi công và nghiệm thu.

Văn phòng Tỉnh uỷ Hoà Bình đã triển khai công tác đấu thầu và phê duyệt kết quả trúng thầu gói thầu số 8 xây lắp Trụ sở Văn phòng Tỉnh uỷ tại Quyết định số 63/2011. Nhà thầu trúng thầu là Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng, xây dựng thương mại Hoàng Sơn (gọi tắt là Công ty Hoàng Sơn). Văn phòng Tỉnh uỷ ký hợp đồng với nhà thầu, trị giá hợp đồng trên 25 tỷ đồng, thời gian thực hiện 380 ngày. Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đã cho nhà thầu tạm ứng 2 lần với số tiền 9 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra đã thanh toán trên 54,2 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ phát hiện, hạng mục thi công cửa gỗ lim Nam Phi, theo thiết kế, dự toán, hồ sơ dự thầu, kết quả trúng thầu, hợp đồng đã ký và nghiệm thu, thanh quyết toán đối với hạng mục này. Chủ đầu tư sử dụng đơn giá quá cao so với giá cả thực tế trên thị trường.

Theo quy định phải căn cứ vào thông báo giá trên địa bàn tỉnh Hoà Bình của liên sở Tài chính-Xây dựng, nhưng chủ đầu tư lại thuê đơn vị thẩm định giá là Công ty cổ phần thẩm định giá Thăng Long (Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện. Khi khảo sát đơn vị này đã lấy báo giá (không ký tên, đóng dấu) của một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội không có chức năng chính sản xuất, kinh doanh cửa gỗ làm căn cứ để lập và thẩm định giá, dẫn đến giá trị chênh lệch tăng giữa dự toán, nghiệm thu, thanh quyết toán so với thực tế số tiền trên 3,8 tỷ đồng.

“Chất lượng lập thẩm định, quy mô đầu tư, quá trình thực hiện không đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị làm tăng giá trị dự toán. Việc thẩm định giá không chặt chẽ, dẫn đến phê duyệt một số giá vật liệu đưa vào xây dựng dự toán cao hơn giá thị trường làm tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí ngân sách nhà nước”- Thanh tra Chính phủ kết luận.

Công ty Hoàng Sơn liên tục được chỉ định, trúng thầu dự án lớn (?!)

Như Dân trí đã phản ánh, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy Công ty Hoàng Sơn đã liên tục được cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình “ưu ái” chỉ định, trúng thầu rất nhiều dự án quy mô lớn ở địa phương này. Tại dự án nào do Công ty Hoàng Sơn thực hiện, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện rất nhiều vấn đề và đã kiến nghị tỉnh Hoà Bình xử lý, giải quyết.

Trong đó, dự án dự án nạo vét, gia cố chỉnh trị sông Bôi để thoát lũ nhanh cho các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chỉ định thầu, đơn vị thi công xây lắp là Công ty Hoàng Sơn với giá dự toán tạm tính trên 91 tỷ đồng.

Dự án kiên cố hóa khắc phục tình trạng sạt lở mái taluy đoạn Km78+300 đến km153, Quốc lộ 6 do Công ty Hoàng Sơn thực hiện (Ảnh: Báo Đầu tư).
Dự án kiên cố hóa khắc phục tình trạng sạt lở mái taluy đoạn Km78+300 đến km153, Quốc lộ 6 do Công ty Hoàng Sơn thực hiện (Ảnh: Báo Đầu tư).

Tại các gói thầu đoạn kè KP12, KT14, KT15, KT16 được thực hiện hình thức chỉ định thầu cấp bách, Công ty Hoàng Sơn cũng được chỉ định thầu với giá trị gói thầu lên tới trên 101,5 tỷ đồng; giá trị điều chỉnh hợp đồng do phát sinh khối lượng và trượt giá là 124,5 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác đúc bê tông tấm lát mái kè, lắp đặt tấm bê tông tấm lát mái kè áp dụng định mức không đúng tính chất của dự án, khiến giá trị dự toán công tác này tăng không đúng với số tiền gần 7 tỷ đồng.

Tại dự án mở rộng mặt đê Đà Giang kết hợp đường giao thông hai bờ sông Đà, thành phố Hoà Bình có tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng, ngày 21/9/2012 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình phê duyệt kết quả đấu thầu, nhà thầu trúng cũng là Công ty Hoàng Sơn.

Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa khức phục tình trạng sạt lở mái taly Km87+300 đến Km153 thuộc Quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình, Sở Giao thông vận tải Hoà Bình cũng chỉ định thầu với Công ty Hoàng Sơn. Ngày 1/11/2014, Sở Giao thông vận tải Hoà Bình phê duyệt tổng dự toán công trình với 14 vị trí kè sạt lở giá dự toán 662,3 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng gần 605 tỷ đồng).

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình thực hiện nghiêm túc những loại dự án áp dụng lệnh khẩn cấp theo Nghị định 71/2005 về quản lý đầu tư công trình đặc thù, tránh tình trạng lạm dụng để giao thầu thiếu khách quan, thiết kế dự toán không chính xác gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.

Thế Kha