1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lực điền miền Tây có nguy cơ... ế vợ

Những chàng lực điền vai u thịt bắp ở vựa lúa miền Tây bây giờ không còn là thần tượng của các cô thôn nữ. Nguy cơ ế vợ đang treo lơ lửng trên đầu họ.

Ông Hai Q, điền chủ ở vùng Hậu Mỹ huyện Cái Bè (Tiền Giang) và ông Sáu T, chủ một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Cai Lậy là bạn tâm giao. Hai ông bàn nhau kết sui gia. Ông Q có đứa con trai 22 tuổi, một mình quán xuyến bốn mẫu ruộng của gia đình; ông T có đứa con gái 20 tuổi, đang học đại học ở Sài Gòn.

 

Nhân dịp nhà có đám giỗ, ông T kêu ông Q dắt con trai qua nhà cho hai đứa làm quen. Nhưng cô gái rượu của ông T chê con trai ông Q “nông dân nhà quê một cục” và tuyên bố chỉ thích lấy chồng ở thành phố.

 

Trai nông thôn ngày càng mất điểm

 

Ông Bảy Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang), kể: “Tôi hay được bạn bè, bà con nhờ làm mai mối cưới xin. Nhưng mấy năm nay, nhận lời làm mai đám nào, đều bị… “tổ trác” đám đó. Mới đây, làm mai một đám, đàng trai gia sản rất khá, đàng gái nghèo hơn. Nhưng khi đàng trai dạm hỏi, con nhỏ nhất quyết không ưng. Nó nói: Chỉ thích ra chợ, ra thành lấy chồng để sau này thoát khỏi cảnh làm ruộng đầu tắt mặt tối. Nó chê đám thanh niên trai tráng ở nông thôn ít học, quanh năm chỉ biết cắm mặt xuống miếng ruộng, hễ rảnh việc đồng áng là tổ chức nhậu nhẹt ì xèo.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, chánh văn phòng tỉnh hội Liên hiệp phụ nữ, cho biết các thôn nữ không muốn cưới trai tráng nông thôn đang là xu hướng phổ biến. “Hiện nay các thôn nữ ở Đồng Tháp đua nhau tìm về các thành phố lớn làm thuê, xin vào các nhà máy làm công nhân. Những cô có nhan sắc thì chọn con đường lấy chồng nước ngoài để mau đổi đời. Bây giờ ở vùng nông thôn Đồng Tháp toàn là ông già bà cả, con nít, phụ nữ và… thanh niên trai tráng, phần lớn con gái đều “chạy” về TPHCM, Cần Thơ”.

 

“Hầu như tôi chưa thấy cô gái nông thôn nào, sau một thời gian ra thành phố làm việc, chịu quay trở về quê lấy chồng. Nhiều trường hợp, do không thể lấy được chồng giàu sang, học thức như mơ ước, các cô thôn nữ chấp nhận lấy chồng cùng làm công nhân, cả hai cùng bám thành phố, chứ nhất định không về quê lấy trai làng”, bà Nguyễn Hồng Diện, chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang, cho biết.

 

Nguy cơ… ế vợ

 

Lấy chồng nước ngoài đang biến tướng

 

Theo hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh có hơn 11.800 thiếu nữ lấy chồng nước ngoài, chủ yếu về làm dâu Đài Loan, Hàn Quốc.

 

Bà Hương nhận định: “Do mấy năm gần đây, Đồng Tháp thực hiện rất chặt chẽ các thủ tục kết hôn với người nước ngoài, nên nhiều cô gái đã được các đường dây môi giới hôn nhân bày cách: chuyển hộ khẩu sang địa phương khác để làm thủ tục dễ hơn; đăng ký đi hợp tác lao động hoặc du lịch nước ngoài, sau đó kết hôn bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Trần Văn Nam ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn (An Giang), 25 tuổi, nhà có ba hecta ruộng, ba lần đi hỏi vợ, nhưng đến nay vẫn phòng không gối chiếc.

 

Anh tâm sự: “Tui học hết lớp sáu thì nghỉ, ở nhà mần ruộng. Cha mẹ rất mong tui có vợ để đỡ đần việc nhà và có cháu ẵm bồng, nhưng bây giờ lấy vợ khó quá. Đám mình ưng, đi hỏi, thì họ không ưng mình; cô ưng mình, thì… xấu người, xấu nết, làm sao dám cưới. Thôi, tới đâu hay tới đó, dù ở nông thôn hai mươi lăm tuổi chưa vợ đã bị coi là… ế”.

 

Theo anh Nam, tình trạng thanh niên trai tráng nông thôn tụ tập nhậu nhẹt là “chuyện thường ngày ở xóm” vì làm ruộng theo thời vụ, thời gian rảnh rỗi khá nhiều, nên có con cá, mớ ốc là có thể rủ nhau nhậu đến say mèm; thanh niên nông thôn không nhậu nhẹt say sưa mới là… chuyện lạ.

 

Nhiều cán bộ hội Liên hiệp phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, do khoảng cách cuộc sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng xa, trong khi những hình ảnh giàu sang, phú quý ở thành phố nhan nhản trên phim ảnh, tác động rất lớn đến tâm lý muốn thoát khỏi cảnh làm nông cơ cực của các thôn nữ.

 

Nhiều người nhận định: xu hướng thích lấy chồng thành thị, lấy chồng nước ngoài nếu ngày càng lan rộng, trở thành một lối sống mới, không sớm thì muộn, nam thanh niên nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào tình cảnh ế vợ giống như trai tráng vùng nông thôn Đài Loan, Hàn Quốc: có tiền nhưng không thể lấy được vợ “nội địa”.  

 

Theo Hùng Anh
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm