Luật Thư viện ra đời sẽ tác động rất lớn đến văn hóa đọc
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Thư viện 2019 mới được Quốc hội thông qua đã khắc phục được nhiều hạn chế của pháp lệnh cũ, nhất là đã thể hiện rõ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm.
Dự án Luật Thư viện nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (ban hành theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ).
Trong suốt quá trình xây dựng, dự thảo Luật Thư viện sau nhiều lần xin ý kiến của các bên đã nhận được nhiều đóng góp tích cực, được sự quan tâm của nhiều tầng lớp, bộ phận trong xã hội.
Luật Thư viện đã được Quốc hội chính thức thông qua chiều 21/11, với 442/446 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, đạt 91,51%. Luật Thư viện gồm 6 Chương và 52 Điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, đoàn Hà Nội cho rằng: Luật Thư viện được thông qua sẽ có những tác động rất lớn đến văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Với những điểm mới khác biệt và cập nhật sát với yêu cầu của thực tiễn nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang xâm nhập mạnh mẽ vào tất cả các mặt của cuộc sống, đối với ngành thư viện.
"Có thể nói Luật Thư viện ra đời như một động lực lớn, giúp thúc đẩy sự phát triển, mở ra những hướng mới cho ngành thư viện trong tương lai sắp tới" - bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, Luật Thư viện lần này đã khắc phục được nhiều hạn chế của pháp lệnh cũ, điểm nổi bật nhất là Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm. Theo đó, người sử dụng là đối tượng được hướng tới trong mọi hoạt động của thư viện. Luật Thư viện đã có những điều khoản quy định rõ việc người dân có quyền tiếp cận thông tin, tri thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Luật cũng tập trung vào những nội dung phát triển văn hóa đọc và hiện đại hóa, cập nhật hóa hệ thống thư viện, vấn đề liên thông thư viện để dần dần ngành thư viện của Việt Nam có thể tiệm cận với các nước phát triển. Luật Thư viện khẳng định rõ vai trò của thư viện trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Để có thể thúc đẩy được sự phát triển của ngành thư viện, việc tăng cường xã hội hoá là xu thế tất yếu.
Đại biểu Nguyễn Thị lan cũng thông tin thêm: Đối với ngành giáo dục nói chung, các trường đại học nói riêng, thư viện luôn là một bộ phận không thể thiếu được. Việc tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cho ngành thư viện sẽ có những tác động tích cực giúp các trường đại học, nhất là các trường đại học tự chủ có thể tìm kiếm thêm nhiều cơ hội cho việc phát triển thư viện, phục vụ người học tốt hơn nữa. Vấn đề liên thông các Thư viện cũng đã được đề cập, đây cũng là một bước tiến mới mở ra những khả năng hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn lực giữa các thư viện, các trường đại học với nhau, các quốc gia, tổ chức…
"Nếu như bộ luật khẳng định xu thế phát triển thư viện điện tử là tất yếu, thì việc liên thông các thư viện lại càng trở nên cần thiết và mang lại hiệu quả chắc chắn là sẽ to lớn. Điều này thật sự rất có ý nghĩa đối với cả người dạy và người học trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay" - bà Lan chia sẻ thêm.
Theo bà Lan, một điểm mới nữa của Luật Thư viện so với pháp lệnh cũ là việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện hàng năm đối với tất cả các loại thư viện. Việc đánh giá này sẽ giúp cho công tác quản lý thư viện được tốt hơn và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện. Đối với các trường đại học, việc xếp hạng thư viện cũng là một tiêu chuẩn khi đánh giá, xếp hạng các trường đại học.
Bà Lan chia sẻ thêm, hy vọng, với sự ra đời của Luật Thư viện 2019, ngành thư viện của Việt Nam nói chung và thư viện của các trường đại học nói riêng sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Hoạt động của các thư viện sẽ càng ngày càng chuyên nghiệp hơn, dịch vụ càng ngày càng phong phú hơn, lượng thông tin đến bạn đọc sẽ cập nhật và dồi dào hơn. Có như vậy, ngành thư viện mới thực hiện được hiệu quả chức năng của mình.
Nguyễn Dương