1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm “đố” thực thi

(Dân trí) - “Đố” Bộ KHCN công bố cho hết tiêu chuẩn hiệu suất sử dụng năng lượng của sản phẩm; dán mác hiệu suất tiêu hao năng lượng sản phẩm khi nào làm được… tính khả thi của dự luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được UB thường vụ QH mổ xẻ chiều 15/4.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh nội dung quy định về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, mục đích đưa vào luật vì khả năng Việt Nam có thể tiết kiệm 15 - 30% lượng điện năng tiêu thụ hiện nay.

Ông Hào lấy ví dụ, để đạt mức tăng trưởng GDP 6% như thời gian qua, tăng trưởng điện năng lên tới 22%. Như vậy, hơn 3 đơn vị tăng trưởng điện mới tạo ra được 1 đơn vị tăng GDP là mức tiêu phí quá cao trong khi con số trung bình ở các nước chỉ dao động 1 - 2%. Mức tăng hơn 20% phụ tải điện trong 3 tháng đầu năm 2010 theo ông Hào là sự “đột biến kinh khủng”, khó đáp ứng.
 
Tuy nhiên, chủ nhiệm UB quốc phòng an ninh Lê Quang Bình cho rằng không thể lấy lý do cần thiết tiết kiệm điện để đưa nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia vào trong luật.
 
“Hiện đã có quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, có những xã chồng chất tới 10 - 11 chương trình mà không thấy hiệu quả” - ông Bình kiến nghị “bóc” khỏi dự luật nội dung này vì vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
 
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm “đố” thực thi - 1
Không thể áp đặt quy định buộc người sử dụng chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
 
Ông Bình cũng “phê” quy định về việc quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng trong đó có nhiều điều luật buộc dán nhãn hiệu suất sử dụng năng lượng, nhãn tiết kiệm năng lượng trên sản phẩm.
 
Chủ nhiệm UB quốc phòng an ninh nêu băn khoăn: như vậy có nghĩa là quy định người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm dán nhãn tiết kiệm năng lượng? Nhiều loại nhãn như vậy biết dán vào đâu, làm sao chống nhãn giả?
 
Tỏ ý đồng tình, chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đặt vấn đề, đến khi nào thực hiện được việc dán nhãn và ngân sách sẽ phải chi bao nhiêu tiền của, nhân lực cho việc này.
 
Ông Thuận còn bất bình vì một quy định bất khả thi: giao cho Bộ KHCN nhiệm vụ công bố tiêu chuẩn hiệu suất sử dụng năng lượng của sản phẩm. Mỗi lĩnh vực như giao thông vận tải, sinh hoạt… đã có hàng triệu các loại sản phẩm khác nhau, mỗi ngày một nhiều, nguồn gốc nhập khẩu rất lớn… công bố tiêu chuẩn thế nào cho đủ?
 
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu gật đầu tán đồng: quy định như vậy không phù hợp với tính năng động của kinh tế thị trường và quyền lựa chọn của chủ sở hữu. Muốn hướng người dân tới việc sử dụng công cụ, phương tiện, máy móc tiêu hao ít năng lượng nhưng không chú trọng đến sản xuất trong nước thì hàng của các nước tiên tiến sẽ áp đảo.
 
Thứ trưởng Công thương “thanh minh”: nhãn năng lượng giống như nhãn hàng hóa, người sản xuất phải tự làm, nhãn tiết kiệm năng lượng cũng khuyến khích tự làm, nhà nước không tốn kém gì, chỉ phải đảm bảo việc kiểm tra, thẩm định tính trung thực.
 
Việc công bố tiêu chuẩn định mức tiêu hao năng lượng thì thứ trưởng Hào xác nhận là nhiệm vụ nặng nề nhưng trước mắt chỉ có 8 nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng như ô tô, điều hòa, tủ lạnh… được khảo sát, ban hành tiêu chuẩn.
 
Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Đặng Vũ Minh thì yêu cầu làm rõ quy định cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (gồm cơ sở sản xuất công nghiệp, đơn vị vận tải, công trình xây dựng dân dụng có mức sử dụng năng lượng lớn) phải thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc. Việc kiểm toán năng lượng các cơ sở này sẽ do tổ chức kiểm toán năng lượng độc lập thực hiện.
 
Chủ nhiệm UB pháp luật vẫn không giấu nghi ngại: “Phạm vi điều chỉnh của luật quá rộng nên quy định chỉ chung chung, nặng về hô hào, không mong gì có thể hướng dẫn thi hành cho thực thi”.
 
Thứ trưởng Công thương thêm một lần thừa nhận nhiều cái khó trong việc xây dựng luật này vì quá “mở”, nhiều quy định chỉ mang tính gợi ý, khuyến khích chứ không bắt buộc như các luật khác.
 
Sau thảo luận, UB thường vụ QH đã thống nhất gỡ quy định về sử dụng năng lượng tái tạo và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ra khỏi dự luật.
 
P. Thảo