1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật “nới tay”, nhà nước, doanh nghiệp thi đua vay

(Dân trí) - “Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, NHNN… đều được quyền vay nợ. Giống như trong một gia đình, chồng đi vay, vợ đi vay, con cũng có thể vay nợ thì sẽ đến lúc vỡ nợ lúc nào không biết”, nhiều đại biểu băn khoăn khi góp ý về Luật quản lý nợ công chiều 27/10.

“Thả” quyền vay nợ?

Bàn đến luật quản lý nợ công, nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn, lúng túng vì độ “mù mờ” thông tin về vấn đề này. Các ý kiến góp ý trước hết đều kiến nghị công khai hoá tình hình nợ nần của quốc gia.

Đại biểu Trần Đông A đề nghị Chính phủ cho biết khoản nợ hiện tại cũng như lượng tiền và khả năng thanh toán mỗi năm. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định không có nợ xấu. Nợ quốc gia đang ở mức 40,7% GDP, nợ nước ngoài trên 30%GDP - mức nợ an toàn.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh về quy định Bộ Tài chính thực hiện công khai định kỳ về nợ công. Ông Lịch đánh giá cao điều luật này (Điều 50) và lấy ví dụ về nước Mỹ, ở trung tâm New York có một đồng hồ điện tử lớn hiển thị thông tin hàng ngày tại thời điểm đó, tình hình nợ và sử dụng nợ nước ngoài của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng nêu nguyên tắc: “Chính phủ được quyền đi vay nhưng dân phải là người được hưởng lợi ích, không thể để khoản tiền vay vào túi cá nhân”. Ông Dũng phân tích, Việt Nam hiện đi vay rất nhiều, nếu vay mà không có khả năng trả, không đầu tư để khoản vay sinh lãi thì rất nguy hiểm.

Ông Dũng đặt vấn đề, người dân phải được biết đồng tiền đi vay để làm gì. Khoản vay nợ phải được quản lý chặt chẽ, an toàn và đảm bảo nguồn tiền không bị thất thoát, không sử dụng sai mục đích.

Đề cập tới thẩm quyền đi vay, đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà tỏ ý băn khoăn vì luật “trao quyền” cho quá nhiều đơn vị, ngoài Chính phủ còn Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp… Ông Hoà đặt câu hỏi: “Ai cũng có thẩm quyền đi vay thế này, làm sao kiểm soát. Giống như trong một gia đình, chồng đi vay, vợ đi vay, con cũng có thể vay nợ thì đến lúc… vỡ nợ lúc nào không biết”.

Ông Hoà cũng phân tích, luật cho phép các địa phương được đi vay vốn, phải nên “khoanh” lại cho một số tỉnh thành nhất định thì mới quản lý được. 63 tỉnh thành cùng đồng loạt, hùa nhau đi vay thì đáng ái ngại. Có nhiều tỉnh, thu ngân sách chỉ vài trăm tỷ đồng một năm mà cũng đặt vấn đề đi vay, sau này “bán” cả đất nước có đủ trả nợ?

“Đang vẽ bức tranh khác thực tế”

Đại biểu Hà Văn Hiền lại cho rằng, việc địa phương vay nợ không đáng ngại bằng việc doanh nghiệp nhà nước.

Vì Luật quản lý nợ công chỉ đề cập tới 3 lĩnh vực nợ của Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh vay và nợ của chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho rằng “bỏ lọt” khối doanh nghiệp nhà nước.

Được “nới tay”, nhiều tập đoàn nhà nước thi đua vay. Đại biểu Phạm Thị Loan chỉ tên nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ đi vay đến mức nguy hiểm, lớn hơn vốn chủ sở hữu nhiều lần, như Cienco 5 vay nợ gấp 42 lần, Lilama 21 lần, Vinashin 22 lần.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng quy định về bảo lãnh, cho vay lại có khả năng tạo “kẽ hở”, khó quản lý. Chính phủ quá tin vào dự án, vào doanh nghiệp nên cho vay lại khoản vay nợ nước ngoài nhưng nếu bất trắc xảy ra thì giải quyết thế nào, có chế tài nào xử lý? Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay, nếu họ vi phạm, phá sản thì khoản nợ ai sẽ trả trong khi theo luật, doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm trên phần vốn của chủ sở hữu? Nhiều câu hỏi đặt ra chưa có khả năng giải quyết theo dự thảo luật.

Mối quan hệ giữa vấn đề vay nợ và bội chi ngân sách cũng được mổ xẻ. Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền khẳng định, công thức tính chỉ số bội chi, chưa đưa khoản nợ công vào là chưa đúng. Vì vậy, tỷ lệ bội chi báo cáo dưới 5%/năm chưa phản ánh đúng thực chất tất cả các nguồn thu chi ngân sách.

Đại biểu Phạm Thị Loan chia sẻ băn khoăn về mối liên quan này. “Phát hành trái phiếu, đi vay là những nguồn rất lớn lại không được đưa vào tính. Như thế, bội chi ngân sách của chúng ta không chỉ là gần 5% mà phải lên tới 15%, như nhiều nguồn nghiên cứu công bố. Bức tranh kinh tế căn cứ theo con số này sẽ khác chứ không phải như chúng ta đang… vẽ” - bà Loan phân tích.

Đại biểu Trần Du Lịch lật lại vấn đề, nguồn tiền dư, nhàn rỗi năm nào cũng báo cáo, sao Chính phủ vẫn phải đi vay nợ. “Có lúc, vốn vay ở kho bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng chúng ta vẫn phải ra nước ngoài vay tiền tiêu. Như vậy là việc điều tiết dòng tiền không tốt”, ông Lịch yêu cầu làm rõ vấn đề này.

P.Thảo