1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Luật Dẫn độ tác động trực tiếp đến đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài

Thế Kha

(Dân trí) - "Việc xây dựng Luật Dẫn độ sẽ tác động trực tiếp đến các đối tượng phạm tội ở Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài và các đối tượng phạm tội ở nước ngoài trốn vào lãnh thổ Việt Nam".

Quan điểm đó được Bộ Công an đưa ra trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ - trên cơ sở tách một phần từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo), Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh 4 lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau, gồm tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

"Tham khảo xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore,… đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ", tờ trình của Bộ Công an cho hay.

Luật Dẫn độ tác động trực tiếp đến đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài - 1

Tại cuộc họp báo ngày 16/8 vừa qua, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, việc xét xử vắng mặt cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cơ sở để dẫn độ tội phạm. Khi đã có bản án sẽ không có nước nào dung tha tội phạm (Ảnh: Bộ Công an).

Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ.

Hơn nữa, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật không có quy định về biện pháp "bắt khẩn cấp" trước khi nước yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức.

Bộ Công an kỳ vọng, với việc khắc phục các bất cập của Luật Tương trợ tư pháp, Luật Dẫn độ sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác dẫn độ, tránh bỏ lọt tội phạm, qua đó giúp trừng trị nghiêm các đối tượng phạm tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm hại, giữ bình yên cuộc sống.

Đối tượng phạm tội tìm cách "né" tử hình

Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an phản ánh, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định về hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.

Một số hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và các nước lại có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Nếu không có cam kết như vậy thì việc dẫn độ sẽ bị từ chối.

Chính vì thực tế đó, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng chủ động bỏ trốn đến các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ. Mục đích chính nhằm "phòng" trường hợp bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.

Cam kết không áp dụng án tử hình là vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Do đó, nếu chính thức luật hóa việc này phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.

Dự thảo luật đề xuất, Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng không thi hành án đối với tội phạm dẫn độ về Việt Nam.

Về thủ tục dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, dự luật đề xuất cơ quan lập yêu cầu là cơ quan điều tra, VKSND, TAND đang thụ lý vụ án hình sự mà bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Dự luật cũng quy định cam kết không tử hình cả với trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Ví dụ, theo quy định của nước yêu cầu dẫn độ tội phạm có thể bị tử hình, nhưng theo pháp luật của Việt Nam lại không đến mức tử hình. Khi đó áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Việt Nam sẽ yêu cầu nước bạn cam kết không áp dụng tử hình đối với tội phạm được dẫn độ từ Việt Nam.

Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ

Như Dân trí thông tin, trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2023, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thông tin, Việt Nam đã gửi nước ngoài 2.385 ủy thác tư pháp về dân sự, nhận 1.830 kết quả.

Trong khi đó, phía nước ngoài gửi Việt Nam 1.033 ủy thác tư pháp và nhận 1.231 kết quả.

Với việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Bộ Công an đang tiếp tục trao đổi với phía đối tác để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao 2 đối tượng yêu cầu dẫn độ cho Liên bang Nga.

Về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Việt Nam đã nhận 4 yêu cầu chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài và gửi đi 40 yêu cầu chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam.