Việt Nam gửi nước ngoài 13 yêu cầu dẫn độ trong năm 2023
(Dân trí) - Số liệu của Bộ Công an cho thấy năm 2023, Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Bộ Công an đang tiếp tục trao đổi với phía đối tác để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
Con số này được đề cập trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2023. Báo cáo do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ ký.
Trong tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký 2 Hiệp định song phương, đều đã được Chủ tịch nước phê chuẩn.
Ở lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND Tối cao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đàm phán thành công 3 Hiệp định song phương, còn Viện trưởng VKSND Tối cao đã ký 5 Hiệp định song phương, thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước.
Trong lĩnh vực dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, báo cáo của Chính phủ cho thấy Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đàm phán thành công 10 Hiệp định song phương.
Đồng thời, thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an đã ký 7 Hiệp định song phương, bao gồm 3 Hiệp định dẫn độ với Argetina, Iran, Italy, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Lào; 4 hiệp định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với Argentina, Iran, Italy, Kazakhstan.
Đề cập đến việc thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp thông tin năm 2023, Việt Nam gửi nước ngoài 2.385 ủy thác tư pháp về dân sự, nhận 1.830 kết quả. Trong khi đó, phía nước ngoài gửi Việt Nam 1.033 ủy thác tư pháp và nhận 1.231 kết quả.
Với việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, số liệu của Bộ Công an cho thấy, năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Bộ Công an đang tiếp tục trao đổi với phía đối tác để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao 2 đối tượng yêu cầu dẫn độ cho Liên bang Nga.
Về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Việt Nam đã nhận 4 yêu cầu chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài và gửi đi 40 yêu cầu chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam.
"Các yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù từ Việt Nam gửi đi nước ngoài đang được tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật (xác minh quốc tịch, thông tin có liên quan...)", theo nhận định của Chính phủ.
Báo cáo cũng thông tin việc Bộ Công an đã chuyển cho TAND có thẩm quyền xem xét 1 trường hợp. Với các trường hợp chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, Bộ Công an đã chuyển TAND có thẩm quyền 2 trường hợp; 2 trường hợp còn lại đang tiếp tục trao đổi với phía nước ngoài.
Cơ quan công an cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao 3 phạm nhân (1 phạm nhân người Hàn Quốc; 2 phạm nhân người Australia) về nước tiếp tục thi hành án phạt tù.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, việc các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đã tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tăng cường trao đổi, thống nhất về phương thức thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp.
Song một trong những hạn chế được Chính phủ chỉ ra trong báo cáo gửi Quốc hội là yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản ở nước ngoài vẫn gặp nhiều vướng mắc; hoạt động kiểm tra tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù chưa triển khai thường xuyên.
Năm 2024, Bộ trưởng Tư pháp cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ và đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao chủ động trong xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.