1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Lúa gần khu vực xây cao tốc bị nhiễm mặn: Khó xác định nguyên nhân

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc xác định nguyên nhân lúa nhiễm mặn ở Hậu Giang là vấn đề khó, cần thời gian và có sự đánh giá hệ thống, toàn diện.

Chiều 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ quý 2 năm 2024.

Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đã trả lời câu hỏi về việc một số diện tích lúa ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị nhiễm mặn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ đông xuân 2023-2024 có khoảng 2,2ha lúa bị nhiễm mặn tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Lúa gần khu vực xây cao tốc bị nhiễm mặn: Khó xác định nguyên nhân - 1

Vụ lúa hè thu 2024 nhiều hộ dân tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tiếp tục bị thiệt hại (Ảnh chụp vào giữa tháng 5: Bảo Kỳ).

Vụ hè thu 2024 cũng xảy ra hiện tượng lúa nhiễm mặn ở chính diện tích bị nhiễm vụ Đông Xuân 2023-2024. Để đánh giá thiệt hại ở vụ hè thu cần phải chờ đến cuối vụ, theo ông Cường.

Vị lãnh đạo thông tin thêm, khu vực lúa bị nhiễm mặn gần với khu vực xây dựng đường cao tốc. 

Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng việc xác định nguyên nhân lúa nhiễm mặn ở Hậu Giang là vấn đề khó, cần thời gian và có sự đánh giá hệ thống, toàn diện, sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng địa phương, các đơn vị chức năng xác định nguyên nhân.

Lúa gần khu vực xây cao tốc bị nhiễm mặn: Khó xác định nguyên nhân - 2

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: Minh Tuệ).

Thông tin chung về tình hình quý II, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã tập trung triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới.

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 20,92 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ).

Trong đó gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Trước đó, nhiều hộ dân dọc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy phản ảnh việc bơm cát nền phục vụ công trình làm ảnh hưởng đến lúa của họ không phát triển và bị chết, gây thiệt hại do nhiễm mặn.

Tình trạng này đã kéo dài từ vụ lúa Đông xuân 2023-2024 đến vụ Hè thu 2024.

Sau đó, Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh liên quan đến thiệt hại hai vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang.

Theo kết quả đo nồng độ mặn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, mẫu lấy ở diện tích lúa bị chết có độ mặn 2,5‰ (ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28‰), độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại 0,1%.