1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lừa chạy biên chế, cô giáo chiếm đoạt gần 100 triệu đồng

(Dân trí) - Lừa chạy biên chế và hợp đồng cho 9 trường hợp nhờ mối quan hệ với cán bộ UBND và Phòng Giáo dục huyện Đông Hưng - Thái Bình, cô giáo Phí Thị Hải Lý đã chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của các nạn nhân. Nhiều thông tin cho rằng, liên quan đến vụ án này có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương.

Chân dung “cô gia lưa”

Suốt 3 năm liền (2001-2004), cô giáo Lý (giáo viên trường tiểu học Đông Hoàng, huyện Đông Hưng) đã thành công với cùng một chiêu lừa khá đơn giản mà các nạn nhân lần lượt kéo đến làm “mồi”.

Lý đã gây dựng niềm tin với mọi người bằng tiếng thơm “bạn học cũ” của ông Đặng Đình Bình - Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng và là người quen biết với Trưởng phòng giáo dục huyện Đông Hưng… Với mối “thâm tình” đó, Lý có khả năng xin biên chế cho những giáo sinh mới ra trường. “Khách hàng” tùy nhu cầu, phải chi từ 6 - 25 triệu đồng để “quà cáp”, “chạy” chỗ. 

Người đầu tiên “gửi tiền” cho Lý là ông Bùi Xuân Đề, trú tại 37A, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình. Năm 2001, ông Đề có người con gái là chị Bùi Thị Thủy, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Qua một người quen, ông Đề gặp Lý. Lý nói có quen với một số cán bộ lãnh đạo huyện, lãnh đạo phòng Giáo dục và khẳng định sẽ xin được biên chế cho chị Thủy với điều kiện ông Đề phải đưa cho Lý 10 triệu đồng, đưa làm 3 đợt.  

Sau khi nhận được 7 triệu đồng từ ông Đề, Lý đưa cho chị Thủy một tờ giấy giới thiệu của phòng Giáo dục Đông Hưng cấp, đến trường THCS Đông Quang dạy học tự nguyện (dạy hợp đồng). Sau đó, bố con ông Đề liên tục hỏi Lý về việc xin biên chế thì Lý yêu cầu đưa thêm 5 triệu nữa vào ngày 10/4/2004 để cô ta lo chi phí cho việc chuyển biên chế chính thức cho chị Thủy.  

Thế nhưng, đến đầu năm 2005 Lý vẫn không xin được cho chị Thuỷ vào biên chế. Nhiều lần ông Đề đến nhà đòi lại tiền nhưng không được. Cuối cùng, Lý nói 7 triệu đồng nhận lần 1 đã được lý chi phí để xin cho chị Thủy vào dạy hợp đồng, 5 triệu nhận sau này Lý đã dùng một phần để chạy chọt, quà cáp để xin biên chế cho chị Thủy nhưng chưa được, còn lại 4 triệu Lý trả lại cho ông Đề. Ông Đề đành ngậm ngùi cầm mấy triệu đồng về. 

Trường hợp của vợ chồng ông Phan Văn Tể, ở thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng còn “ngậm ngùi” hơn. Cũng với bài “quen một số lãnh đạo” Lý gợi ý và vợ chồng ông Tể đã đưa 2 lần với tổng số tiền là 25 triệu đồng để Lý lo cho con trai của ông bà là anh Phan Văn Tuấn vào làm kế toán ở một trường học nào đó ở Đông Hưng. Lý còn quả quyết là sau khi nhận tiền 1 tháng, anh Tuấn sẽ có biên chế ngay.  

Đến 4/2005, sau gần 5 tháng giao tiền, nhưng không thấy Lý xin được biên chế cho con, vợ chồng ông Tể đã ráo riết đòi nợ nhưng Lý không chịu trả. Mãi đến tháng 1/2006, một người nhà của Lý đã nhắn ông Tể đến để trả tiền. Tại đây, ông Tể chỉ được trả 16 triệu đồng với điều kiện phải đưa lại giấy nhận nợ. 

Rất sòng phẳng, khi nhận tiền của mỗi khách hàng, cô giáo Lý còn viết biên nhận số tiền đã nhận và cam kết không thực hiện được sẽ trả lại tiền. Sau những trường hợp đầu tiên có dấu hiệu suôn sẻ nhờ mấy tờ giấy giới thiệu có bút phê, ký nháy của các cán bộ, Lý nhanh chóng “nổi danh”. Người nọ mách người kia, 9 trường hợp đã tìm đến nhà, đưa tiền nhờ Lý… giúp đỡ. Tổng số tiền Lý đã nhận để chạy xin biên chế công chức, xin dạy hợp đồng đã lên tới 92,5 triệu đồng. 

Kết quả cuối cùng, cả 9 trường hợp Lý đều “lo”… không thành. Ở cả 9 trường hợp, cô giáo Lý đều khai đã chi phần lớn tiền của các nạn nhân để “lót tay” cho ông Đặng Xuân Bình - chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, ông Bùi Trọng Trâm - Trưởng phòng giáo dục huyện Đông Hưng, ông Phạm Thành Quận - cán bộ tổ chức Phòng giáo dục…

Các lời khai đều quy về một mối

Sau giai đoạn điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình vừa chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố Phí Thị Lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng vấn đề đáng nói là phần lời khai của Lý về những lần “lót tay” cho các cán bộ huyện Đông Hưng để “chạy” biên chế hiện vẫn chưa được làm rõ. 

Cụ thể, với 9 trường hợp, Lý đã đưa cho các ông Đặng Xuân Bình - chủ tịch UBND huyện Đông Hưng (nay là Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình) tổng số tiền là 28 triệu đồng; ông Bùi Trọng Trâm - Trưởng phòng giáo dục huyện Đông Hưng (nay là Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hưng) tổng số là 39,9 triệu đồng và ông Phạm Thành Quận, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Đông Hưng tổng số là 15 triệu đồng.  

Với 6 trường hợp xin biên chế, Lý khai đã đưa cho ông Bình 19 triệu đồng, ông Trâm 27 triệu đồng và ông Quận 8 triệu đồng, còn 19 triệu giữ cho mình gọi là công “môi giới”. 

Với 3 trường hợp xin dạy hợp đồng, Lý khai đưa ông Bình 6 triệu đồng, ông Trâm 6 triệu đồng và ông Quận 5 triệu đồng. Những hồ sơ này, Lý đã mang nộp cho ông Quận. Được ông Quận viết giấy giới thiệu, ông Trâm đã ký và chuyển lại cho Lý để Lý chuyển cho 3 giáo sinh đi liên hệ dạy tự nguyện tại các trường. 

Những lời khai trên phù hợp với lời khai của những người bị hại. Các nạn nhân khai đã đưa hồ sơ cho Lý đi nộp và cũng nhận được giấy giới thiệu có chữ ký, dấu đỏ đàng hoàng của các cán bộ. Đây cũng là điểm cơ bản làm người ta tin là Lý có khả năng “lo việc”. Vì vậy mà liên tiếp sau đó, người ta càng đua nhau kéo đến Lý “nhờ vả”. 

Tuy nhiên, trước cơ quan điều tra, các ông này đều phủ nhận những lời khai của Lý. Nhưng dư luận cho rằng, vì sao trong cả 9 trường hợp, lời khai Lý đều khẳng định là đưa tiền cho các ông này. Phải chăng là Lý vu khống để làm giảm nhẹ tội của mình hay sự việc chưa được làm sáng tỏ?  

Theo điều tra của chúng tôi, có một tài liệu chứng minh một số trường hợp mà Lý nhận tiền để chạy biên chế, thì ở các trường hợp xin dạy hợp đồng đều xuất hiện tình tiết ông Phạm Thành Quận là người viết, còn ông Bùi Trọng Trâm là người ký giấy gới thiệu. Sau đó, ông Quận giao các giấy giới thiệu đó cho Lý và Lý giao lại cho các bị hại để họ đến các trường được liên hệ xin dạy hợp đồng.  

Về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Trọng Trâm và được cho biết: Việc ông ký giấy giới thiệu đó là thực hiện theo công văn của UBND tỉnh Thái Bình cho phép một số huyện (trong đó có Đông Hưng) được cơ cấu để dạy thêm môn Tiếng Anh 2 buổi. Ông chỉ ký để cho các giáo sinh đi liên hệ chứ không có dụng ý gì. Ông Trâm cũng lặp đi lặp lại: “Cô Lý đã cố tình đổ vấy, bôi nhọ tôi. Tôi không hề có mối quan hệ nào với Lý. Trường hợp chẳng may ký phải 1 - 2 cái giấy giới thiệu thế này cũng chỉ là do… sơ suất”.

Còn ông Quận khi được hỏi thì trước sau chỉ trả lời: “Tôi không biết”. 

Không chỉ có vậy, trong quá trình tìm hiểu sự việc có một số thông tin cho rằng Phí Thị Hải Lý là bạn học cũ của ông Đặng Xuân Bình và trong quá trình nhận tiền chạy biên chế, Lý đã một số lần lên huyện gặp ông Bình để nhờ vả.

Với mong muốn có được những thông tin khách quan, nhất là ông Bình nguyên là chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, nay đương là Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình, chúng tôi đã liên hệ với số máy ở phòng làm việc của ông Bình, nêu nội dung cần trao đổi và xin được gặp. Người nhấc máy tự xưng là Bình, trả lời đại ý rằng: Tôi không còn ở dưới ấy nữa, tôi đã lên tỉnh rồi. Cần có thông tin khách quan thì các đồng chí sang cơ quan công an mà hỏi.  

Về các thông tin liên quan đến ông Bình, chỉ xin trích một phần nhận định của cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình được nêu trong kết luận điều tra: “Đến nay Cơ quan CSĐT chưa có đủ tài liệu để chứng minh, nên CQĐT tiếp tục điều tra, khi nào có đủ căn cứ thì đề nghị xử lý sau”.  

Với nhận định này, vụ án chưa dừng lại ở đây. Những diễn biến tiếp theo như thế nào, các ông Bình, Trâm, Quận có nhận tiền của Phí Thị Lý hay không sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Đó cũng là mong mỏi của người dân Thái Bình, bởi theo họ chống tham nhũng cần phải làm quyết liệt, đặc biệt là sau vụ án liên quan đến ông Mạc Kim Tôn, nguyên GĐ Sở GD-ĐT Thái Bình. 

Thái Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm