Lũ quét vừa xảy ra ở Lào Cai là hiện tượng rất khó dự báo
(Dân trí) - Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, hiện tượng lũ quét nghẽn dòng xảy ra vào ngày 22/10 trên suối Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) ở quy mô nhỏ nhưng có sức tàn phá nghiêm trọng ở hạ lưu và là một trong những hiện tượng rất khó dự báo tại khu vực vùng núi Việt Nam.
Trước đó, như đã đưa tin, đêm về sáng ngày 22/10, vùng hội tụ gió trên cao đã hình thành nhanh chóng trên khu vực tỉnh Lào Cai gây mưa, một số địa phương có mưa vừa, mưa to dữ dội trút xuống gây lũ quét bất ngờ như xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên làm ngập nhiều diện tích hoa màu và làm hỏng hàng chục ngôi nhà dân.
Liên quan đến hiện tượng thời tiết trên, ngày 23/10, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, sáng 22/10 ở khu vực các tỉnh Lào Cai, Hà Giang đã có mưa, lượng mưa đo được phổ biến từ 20-50mm, riêng tại xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên - Lào Cai) lượng mưa đo được trong 2h (từ 6-8h) là 103mm. Đây là hiện tượng mưa lớn cục bộ, xuất hiện trong thời gian ngắn và có quy mô tương đối nhỏ (1-2 xã thuộc tỉnh Hà Giang và huyện Bảo Yên, Lào Cai).
Cũng theo ông Long, do mưa lớn, lũ trên suối Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) lên nhanh. Mực nước lúc 7h ngày 22/10 tại trạm Vĩnh Yên là 127,85m và đến 10h là 134,44m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 1,68m (Đỉnh lũ lịch sử ngày 9/8/2008 tại Vĩnh Yên: 132,76m), biên độ lũ lên trong 3h (từ 7 -10h) là 6,59m. Sau khi đạt đỉnh, mực nước xuống nhanh.
Lũ lên rất nhanh làm ngập úng, gây hư hỏng, sập đổ hàng chục ngôi nhà, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân sinh sống ven hai bên suối. Dòng nước mang đất, cát vùi lấp, gây hư hại nhiều diện tích hoa màu, cây trồng các loại,…
Ông Long cho rằng, nguyên nhân lũ quét theo nhận định ban đầu là mưa lớn cục bộ quy mô khoảng 3 xã (xã Tân Tiến và xã Nghĩa Đô thuộc huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai và xã Bản Rịa thuộc Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Mưa rất to tập trung từ khoảng 4h đến 9h ngày 22/10 gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực xã Tân Tiến. Nước lũ từ 2 nhánh sông (xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và xã Bản Rịa, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đã dồn về sông Nghĩa Đô tại trạm thủy văn Vĩnh Yên. Thêm vào đó, mưa lớn gây sạt lở đất, cây cối, đất đá trôi xuống sông kết hợp với địa hình lòng sông bị co hẹp cục bộ đã tạo nên đập ngăn tạm thời.
"Khi lượng nước đủ lớn đã phá vỡ đập nghẽn dòng gây nên lũ quét, mực nước sông tại trạm Vĩnh Yên trên suối Nghĩa Đô (với đặc điểm như nút thắt cổ chai) dâng cao bất thường (gần 6,6m trong 2-3h). Mực nước sông lên rất nhanh gây ngập úng cục bộ khu vực xã Nghĩa Đô và xã Vĩnh Yên. Hiện tượng lũ quét nghẽn dòng trên suối Nghĩa Đô ở quy mô nhỏ nhưng có sức tàn phá nghiêm trọng ở hạ lưu và là một trong những hiện tượng rất khó dự báo tại khu vực vùng núi Việt Nam" - ông Long cho biết.
Ông Long thông tin thêm, hiện nay các địa phương bị lũ quét qua đang thống kê thiệt hại. Theo thông tin ban đầu, đã có người chết và mất tích. Tuy nhiên, thiệt hại về người được giảm thiểu do đã nhận được thông tin cảnh báo khả năng mưa lớn và lũ, lũ quét ở trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Hà Giang và sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền địa phương khi đã thông báo kịp cho các hộ dân sinh sống ven suối (nơi bị sạt lở và lũ quét) sơ tán khẩn cấp, an toàn.
"Trong đợt thiên tai này, sự chủ động của chính quyền, cơ quan phòng chống thiên tai các cấp và của người dân cùng với thông tin dự báo, cảnh báo của các đơn vị dự báo đã hạn chế đáng kể thiệt hại về người khu vực mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở Hà Giang và Lào Cai" - ông Long đánh giá.
Nguyễn Dương