Lũ lớn gây sạt lở nghiêm trọng, Bình Định tính phương án di dời dân
(Dân trí) - Để an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân, tỉnh Bình Định lên phương án về lâu dài phải di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm...
Ngày 7/11, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra các vị trí sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét trên địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt, ách tắc giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau lũ lớn bất ngờ xảy ra sáng 6/11, tuyến đường độc đạo lên xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (thuộc huyện miền núi Vĩnh Thạnh) có hàng chục điểm sạt lở, đất đá từ trên núi đổ xuống mặt đường với khối lượng lớn, nhiều tảng đất đá lớn chiếm hết cả mặt đường, người dân chỉ đi bộ mới vượt qua. Đặc biệt, nhiều đoạn bị sạt lở hàm ếch ăn sâu cả mét, rất nguy hiểm.
Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, nguyên tuyến đường xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở. Tuyến đường từ trung tâm huyện lên Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở. Khối lượng đất đá sạt lở rất lớn, khoảng 6.000m3. Hiện tại giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe máy.
“Vĩnh Kim có khoảng trên 1.000 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ trong vùng sạt lở. Khi mưa lớn xảy ra, địa phương đã cảnh báo người dân và chủ động di dời những hộ nằm trong diện nguy cơ nên thiệt hại về người là không có”, ông Thành cho hay.
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường sạt lở, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở Vĩnh Thạnh nhưng bây giờ lại xuất hiện.
Theo ông Dũng, cùng với việc liên tiếp sạt lở ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... có thể thấy, hiện tượng sạt lở ở miền Trung đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Do đó, cần có sự nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện tượng này để từ đó đưa ra những phương án ứng phó cho phù hợp.
“Sạt lở ở huyện Vĩnh Thạnh tuy không có thiệt hại về người nhưng về lâu dài phải tính đến phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm ven núi. Bởi đã xảy ra sạt lở như thế này thì sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Địa phương phải có một chính sách để di dời các hộ dân đến nơi an toàn”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng giao Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ngay lực lượng, máy móc khắc phục khẩn cấp để đảm bảo giao thông. Khẩn trương thực hiện, bảo đảm trong vòng 3 ngày là phải làm xong”, ông Dũng đề nghị.