1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

"Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc"

Doãn Công

(Dân trí) - Đứng trước ngôi nhà đổ sập, bà Trương Thị Hạnh (ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn chưa hết sợ hãi kể lại giây phút ngôi nhà của hai mẹ con bà đổ sập vì lũ.

Đến chiều 3/12, tại vùng rốn lũ huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), nước đã rút nhưng còn một số tuyến giao thông ở các xã khu Đông huyện này vẫn ngập khá sâu, nhiều khu dân cư vẫn chia cắt. Thế nhưng, xót xa nhất khi lũ đi qua là hàng chục hộ dân ở huyện này lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 1

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nghĩa bị sập vì lũ lớn.

Đau xót nhìn ngôi nhà của hai mẹ con bị đổ sập, bà Trương Thị Hạnh (51 tuổi), con dâu của bà Nguyễn Thị Nghĩa (76 tuổi, xóm Gò Miếu, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), kể lại, lúc đó khoảng 9h sáng 30/11, nước lũ lớn ùa về rất nhanh. Nhà cũng chẳng có đồ đạc gì giá trị ngoài chiếc tủ thờ.

Hai mẹ con bà Hạnh đang lo kê đồ đạc lên cao để tránh ngập thì gió thổi mạnh, rồi ngôi nhà sập xuống.

"Tôi nghe ngôi nhà kêu lên răng rắc, mất hồn tôi cầm tay mẹ chồng kéo thật nhanh ra ngoài. Vừa ra ngoài thì bức tường nhà đổ sập xuống. May sự việc xảy ra ban ngày, nếu đêm tối có khi 2 mẹ con tôi giờ không còn nữa", bà Hạnh kể giọng chưa hết bàng hoàng.

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 2

Bà Nghĩa may mắn được con dâu kịp thời kéo ra ngoài trước khi mái nhà và bức tường đổ sập xuống.

Cơn lũ đi qua, gương mặt ông Đặng Văn Châu (55 tuổi, trú thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) vẫn còn nguyên nỗi lo sợ.

Đứng trước ngôi nhà giờ là đống đổ nát, ông Châu cho biết, khoảng 5h sáng 30/11, nước lũ ào ào đổ vào nhà. Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, căn nhà của vợ chồng ông bị nước lũ nhấn chìm gần một mét.

"Lúc đó nước rất lớn, gió lại thổi rất mạnh khiến sóng đập vô nhà tôi ầm ầm. Các vách tường xây lâu ngày bắt đầu đổ sập. Vợ chồng tôi chạy ra ngoài thì căn nhà từ dần dần đổ sập, chìm sâu trong nước lũ", ông Châu kể.

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 3

Người dân Bình Định đau xót nhìn ngôi nhà đổ sập sau lũ.

Ngôi nhà của ông Châu rộng 50 m2, được xây từ những năm 2000. "Thời đó khó, khổ lắm, vợ chồng kiếm ăn từng bữa, làm cái nhà mà chắp vá như cây bánh tét. Làm từng chút từng chút chắp vá, phải mất 4 năm mới xây xong căn nhà này. Giờ nó sập rồi không biết xoay đâu tiền xây lại, hiện đang phải ở nhờ nhà em gái", ông Châu xót xa.

Trong khi đó, vợ chồng ông Trương Văn Ngoại (49 tuổi, đội 9, thôn An Lợi, xã Phước Thắng) là hộ vừa được công nhận thoát nghèo, nhưng đợt lũ vừa qua khiến ngôi nhà là tài sản lớn nhất của vợ chồng cùng 3 người con đã bị sập hoàn toàn vì lũ.

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 4

Ngôi nhà của gia đình ông Đặng Văn Châu giờ chỉ còn một đống đổ nát.

Theo lãnh đạo xã Phước Hòa, thống kê đến nay, trên địa bàn có 9 ngôi nhà bị sập. Ngoài nhà ông Châu, một số ngôi nhà khác tại thôn Huỳnh Giản Nam, Huỳnh Giản Bắc cũng bị sập hoàn toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: "Huyện đã rà soát, thống kê và cử lực lượng chức năng phối hợp với các xã đến hỗ trợ người dân. Trước mắt, các lực lượng nhanh chóng giúp bà con khắc phục hậu quả. Về lâu dài, huyện sẽ báo cáo tỉnh và có kế hoạch hỗ trợ người dân xây lại nhà trước Tết âm lịch để bà con yên tâm sinh sống".

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 5

Ông Châu dọn dẹp những gì còn sót lại.

Thống kê sơ bộ, trong đợt lũ vừa qua, tỉnh Bình Định ghi nhận đã có 3 người tử vong, 2 người bị thương. 20 ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hơn 12 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng… Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 219 tỷ đồng.

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 6

Bà Trương Thị (60 tuổi, xóm Lộc Ninh, thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), sống neo đơn bên căn chòi tạm đã bị sập do lũ.

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 7

Sau lũ dữ, nhiều người dân ở Bình Định lâm cảnh "màn trời chiếu đất".

Sống chung với lũ hoặc di dời dân đến nơi an toàn

Chiều cùng ngày 3/12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra hậu quả do mưa lũ, thăm các điểm ngập lụt tại huyện Tuy Phước, Tây Sơn và thị xã An Nhơn. Dịp này, đoàn công tác cũng đã đến thăm hỏi gia đình có người mất do mưa lũ đợt vừa qua.

Lũ ập về, nhà kêu răng rắc rồi đổ sập trong tích tắc - 8

Đoàn công tác Trung ương thăm, tặng quà những gia đình có người thân mất do mưa lũ vừa qua tại huyện Tuy Phước (Ảnh: CTV).

Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Bình Định phải thực hiện cùng lúc hai giải pháp là công trình và phi công trình.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Đối với giải pháp phi công trình, đây là giải pháp rất quan trọng tỉnh cần triển khai làm ngay.

Thứ nhất tỉnh phải xem xét lại quy hoạch lại các khu dân cư. Các khu dân cư thường xuyên ngập lũ thì có giải pháp sống chung với lũ hoặc di dời đi chỗ khác.

Thứ hai là quy trình vận hành hồ chứa cần phải xem xét lại. Trong đó, làm thế nào phải tổng thể cả hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều vào một quy trình. Quy trình này phải chi tiết là hồ nào xả trước, hồ nào xả sau.

Đặc biệt, khi đỉnh lũ và triều cường thì không được xả, có như thế mới giảm lũ cho hạ du.

Với giải pháp công trình, cần trồng lại cây xanh, làm sao thảm thực vật phủ kín để quay trở lại giữ được nước, đọng được nước mới có thể giảm được lũ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm