1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lớp học sử kì lạ dưới chân cây đa trăm tuổi

(Dân trí) - Trong khi các nhà quản lý, các nhà đạo đức học đang mải mê tranh cãi nên giữ hay bỏ môn lịch sử, thì từ nhiều năm nay, một lớp học lịch sử dành cho các em nhỏ tại Hà Nội đã âm thầm hoạt động và mang lại nhiều niềm vui với các em nhỏ.

Lớp học lịch sử kì lạ dưới chân cây đa trăm tuổi

Mỗi tháng một lần, dưới chân gốc cây đa trăm tuổi ở sân Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hàng chục em nhỏ ở các gia đình từ khắp nơi thuộc địa bàn Hà Nội lại tụ họp lại đây để tham dự một lớp học lịch sử do Bảo tàng phối hợp với các gia đình tổ chức.

Hôm nay, vợ chồng chị Lê Thị Thanh Dung, một giảng viên đại học, nhà ở tận Cổ Nhuế, cách Bảo tàng cả chục cây số lại con trai đến lớp. Chị cho biết, con của chị đã tham dự lớp được bốn buổi và cháu rất hào hứng. Thậm chí, ngày thường gọi cháu dậy đi học rất khó nhưng nếu nói đi học lịch sử là cháu dậy ngay, có khi còn giục bố mẹ đi nhanh cho kịp.

Lớp học lịch sử dưới chân cây đa trăm tuổi
Lớp học lịch sử dưới chân cây đa trăm tuổi

Buổi học hôm nay có hai lớp học do cô Nguyễn Thị Thảo và cô Trịnh Thị Phương phụ trách. Cô Thảo cho biết, mô hình lớp học lịch sử này bắt nguồn từ câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam từ cách đây cả chục năm. Câu lại bộ này hoạt động có sự phối hợp với các trường phổ thông ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành.

Sau này, khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hợp nhất với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì mô hình lớp học lịch sử cho các gia đình mới được triển khai. Tính đến nay, lớp học gia đình đã triển khai được khoảng 2 năm, cung cấp sân chơi lịch sử “học mà chơi – chơi mà học” cho hàng trăm em nhỏ.

Các em được trực tiếp quan sát hiện vật cổ.
Các em được trực tiếp quan sát hiện vật cổ.

Mô hình lớp học gia đình có một ưu thế mà câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" không có được, đó là quy mô lớp học rất nhỏ, mỗi lớp chỉ có 20 - 30 em. Đồng thời, lớp học diễn ra có sự tham gia của các phụ huynh. Lớp học này sẽ xuyên suốt năm học, mỗi tháng một buổi. Chính vì quy mô nhỏ và tính liên tục như vậy mà các em có nhiều điều kiện ghi nhớ bài học hơn.

Mỗi buổi học kéo dài khoảng 2 tiếng. Một tiếng các em dành cho việc lắng nghe những câu chuyện từ quá khứ và trực tiếp quan sát hiện vật cổ. Và phần thời gian còn lại, các em sẽ làm một bài trắc nghiệm ngắn và hoạt động thể chất bao gồm các trò chơi dân gian được thiết kế phù hợp với nhận thức và thể chất của các em.

Lớp học có sự tham gia của cả các phụ huynh
Lớp học có sự tham gia của cả các phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Thu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Công chúng cho biết: Nội dung của buổi học được Phòng soạn lại trên cơ sở các bài thuyết minh để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh.

Còn đối với các trò chơi thể chất, anh Trần Bắc Dũng, một cán bộ bảo tàng chia sẻ thêm: Khi thiết kế các trò chơi, tính an toàn phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới là các yếu tố vui chơi, giáo dục, ví dụ như ở các trò đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo thì toàn bộ các đầu nhọn đều phải được bịt vải mềm, các góc nhọn của đồ vật phải được mài tròn để tránh vô tình gây thương tích.

Quan trọng nhất là, tất cả các hoạt động học và chơi của các em nằm trong sự giám sát của phụ huynh. Nếu có bất kì điều gì nhận thấy chưa phù hợp, các phụ huynh sẽ thông tin ngay lập tức với cán bộ phụ trách lớp để có điều chỉnh cho phù hợp.

Có em còn mang cả sách bút để ghi lại bài học
Có em còn mang cả sách bút để ghi lại bài học

Buổi học hôm nay của các em là về thời kỳ chống Bắc thuộc (207 TCN – 938). Sau khi điểm danh và ghi tên các bạn có mặt, cô Phương - hướng dẫn viên, cán bộ của Phòng Giáo dục Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đưa cả lớp vào phòng trưng bày các hiện vật. Các em được nghe kể lại hành trình nghìn năm chống Bắc thuộc, từ câu chuyện cảnh giác An Dương Vương đánh mất nỏ thần, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu cho đến chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên bãi cọc Bạch Đằng.

Sau khi học trực quan trong lớp, các em ra sân tham gia vào trò chơi bịt mắt bắt dê và nhận những món quà nhỏ. Anh Nguyễn Đức Trường (Phan Bội Châu, Hà Nội) có con học lớp 4 chia sẻ: Qua sự giới thiệu của bạn bè, gia đình anh đã cho con đến lớp học này được hai tháng. Chi phí dành cho các em theo học cũng không nhiều vì đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ Bảo tàng.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tiền thân là Viện Viễn Đông bác cổ, là nơi tập trung nhiều nhà khoa học nghiên cứu về các thiết chế văn hóa vùng Đông Dương.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tiền thân là Viện Viễn Đông bác cổ, là nơi tập trung nhiều nhà khoa học nghiên cứu về các thiết chế văn hóa vùng Đông Dương.

Ngồi dưới tán của cây đa trăm tuổi ở mảnh sân của Viện Viễn Đông bác cổ xưa, nhìn các em vui chơi sau giờ học, tôi chợt nghĩ về những nhà quản lý và những nhà đạo đức học. Trong khi họ còn đang mải mê tranh cãi hay ca thán về môn sử trong trường học, về thái độ của học trò với lịch sử, thì từ đây, lớp học nhỏ bé này đã làm làm được những điều giản dị mà vô cùng to lớn. Những em nhỏ đã mang niềm vui và thái độ trân trọng với quá khứ, chắc chắn, tương lai sẽ mang đến cho các em... "những đóa hoa"!.

Phạm Việt Hưng

 

Lớp học sử kì lạ dưới chân cây đa trăm tuổi - 6