Lời khẩn cầu của hàng chục hộ dân "sống mòn" trong chung cư cũ
(Dân trí) - Sau 36 năm được đưa vào sử dụng, chung cư D2 (Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Việc cải tạo, sắp xếp lại công trình đang gặp khó khăn khi có sự “vênh nhau” trong việc xác định đây có phải là tài sản công hay không.
"Sống mòn" trong chung cư cũ nát
Theo trình bày của các hộ dân chung cư D2, họ nguyên là cán bộ công nhân viên Công ty vận tải đường sắt 3 (thuộc Tổng cục Đường sắt, nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Năm 1982, Tổng cục đường sắt tiếp nhận chung cư D2 từ UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An) với hình thức mua bằng nguồn quỹ phúc lợi tập thể và giao cho Công ty vận tải đường sắt 3 quản lý. Sau đó, các căn hộ này đã được phân phối cho cán bộ công nhân viên thuộc các xí nghiệp thành viên của công ty này.
“Hồi đó phải là những hộ gia đình có cả 2 vợ chồng công tác trong ngành đường sắt, có thâm niên 20 năm trở lên mới được cấp 1 căn hộ. Diện tích mỗi căn hộ từ 36-45m2. Có 60 hộ đủ điều kiện và được cấp 1 căn hộ ở đây”, bà Trương Thị Bơ (SN 1947, chủ căn hộ 213) cho biết.
36 năm qua, các cư dân ở đây sinh sống ổn định, thực hiện đầy đủ các khoản đóng nộp của địa phương. Sau gần 40 năm tồn tại, chung cư D2 xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến điều kiện sinh hoạt và sự an toàn của người dân, nhất là trong mùa mưa bão.
“Do xây dựng đã lâu, thời điểm đó xây bằng cát và vôi nên tường, trần bị hư hỏng, lở lói, có khi đang ngồi trong nhà cả mảng trần rơi xuống. Hệ thống điện, nước cũng hư hỏng xuống cấp trầm trọng. Hệ thống nhà vệ sinh thì đúng là nỗi ám ảnh của người dân. Đường ống thoát bị tắc, có thời điểm bể phốt tràn lênh láng cả sân. Diện tích nhỏ hẹp, trong khi đó có những hộ 2-3 thế hệ sinh sống, thực sự là rất bất tiện”, ông Võ Tá Hoạt (SN 1966, chủ căn hộ 313) cho hay.
“Lệch pha” trong xác định sở hữu
Trước sự an toàn tính mạng cũng như nhu cầu nhà ở của hàng trăm người dân chung cư D2, việc cải tạo xây dựng công trình này là hết sức cần thiết. Nguyện vọng chính đáng của các hộ dân được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An hết sức ủng hộ.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giai đoạn từ 1982 đến nay, ngành đường sắt có nhiều biến động, thay đổi nên hồ sơ pháp lý liên quan đến chung cư D2 không còn lưu trữ được. Hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình này cũng không còn lưu trữ tại các sở, ngành của Nghệ An.
Sau khi gửi công văn đề nghị các Bộ, ngành liên quan tham mưu hướng giải quyết trên cơ sở kiểm tra, rà soát và xác định cơ sở nhà, đất chung cư D2, ngày 8/5/2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản số 07/ĐS-QLHT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp nhận công trình này để quản lý theo quy định.
Ngày 25/7/2017, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản đồng ý tiếp nhận nhà chung cư D2. Tỉnh Nghệ An giao UBND TP Vinh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để trực tiếp tiếp nhận và quản lý.
Trong quá trình thực hiện việc tiếp nhận công trình này, ngày 22/5/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản số 1369 về việc lập hồ sơ để chuyển giao nhà chung cư D2 về địa phương. Công văn của Sở Tài chính Nghệ An nêu rõ về cơ sở pháp lý thì nhà chung cư D2 vẫn thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, là tài sản công thuộc quyền quản lý, sử dụng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Đất đai và Luật nhà ở không có quy định về xử lý đối với trường hợp nhà đất thuộc đơn vị trung ương quản lý.
Do vậy, Sở Tài chính Nghệ An đề nghị Chi nhánh đường sắt Nghệ Tĩnh – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất, đất gửi cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước đó đã có công văn đề xuất tỉnh Nghệ An tiếp nhận, có nghĩa là đã xác định nó không thuộc đối tượng của Quyết định số 09/2007/QĐ-TTG ngày 19/1/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Giờ Sở Tài chính Nghệ An lại xác định chung cư này thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167/2007/NĐ-CP, tức là xác định đây là tài sản công.
Tổng công ty Đường sắt thì đề nghị bàn giao về tỉnh, Sở Tài chính thì nói phía đường sắt phải lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại. Cứ "nhùng nhằng" thế này thì biết đến bao giờ mới có phương án cụ thể cho người dân?”, ông Nguyễn Phúc Châu (SN 1950, chủ căn hộ 131) băn khoăn.
Các hộ dân lại cho rằng, trên khu đất này, người dân đã sinh sống ổn định từ năm 1982, tức là trước khi Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực, không tranh chấp. Vì vậy, đối chiếu theo quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP thì họ đủ điều kiện được tái định cư tại chỗ.
“Chúng tôi đều đã già, mong ước cuối đời là được an cư ở nơi đã gắn bó gần 40 năm. Mong muốn duy nhất của chúng tôi là cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân theo các quy định hiện hành để có điều kiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, yên tâm sinh sống”, ông Châu thay mặt 60 hộ dân chung cư D2 kiến nghị.
Hoàng Lam