Lò mổ Thịnh Liệt vẫn “tra tấn” người dân
(Dân trí) - Tiếng lợn kêu đinh tai nhức óc cùng với mùi hôi thối của lò mổ Thịnh Liệt vẫn “tra tấn” cuộc sống của hàng nghìn người dân ở khu tập thể Đồng Tầu. 26 chủ kinh doanh giết mổ gia súc ở đây chưa chịu di chuyển đến địa điểm giết mổ mới.
Nằm đối diện với lò mổ Thịnh Liệt, hàng trăm hộ dân sống trong nhà N9, khu tái định cư Đồng Tầu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) ăn ngủ không yên. Sau gần 1 năm chuyển đến sinh sống tại tầng 3, nhà N9, không đêm nào bà Nguyễn Ngọc Hà Linh ngủ ngon giấc vì phải nghe tiếng kêu đinh tai nhức óc của hơn 1.000 con lợn bị “hoá kiếp”.
“Đứa cháu 2 tuổi nhà tôi đêm nào cũng giật mình thon thót vì tiếng lợn kêu. Nếu lò mổ không di dời thì nhà tôi cũng phải tính tới việc chuyển đi lánh nạn”, bà Linh cho biết nỗi khổ của gia đình.
Sợ mùi hôi thối bay vào nhà nên tất cả các cửa sổ của khu nhà N9 lúc nào cũng đóng chặt, một số gia đình còn gia cố thêm hộp kính bên ngoài cửa sổ để ngăn mùi hôi thối lọt qua. “Sống ở đây gần 2 năm nhưng số lần mở cửa đón gió trời của gia đình tôi đếm trên đầu ngón tay. Vài lần chót mở cửa, mùi hôi thối của lò mổ bay vào nhà quện vào chăn chiếu rất kinh, phải mấy ngày mới bớt. Còn đầu óc lúc nào cũng ong ong như người say rượu”, anh Trần Hanh sống tại tầng 6 nhà N9 cho biết.
Theo anh Hanh, cũng chỉ vì mùi hôi thối này mà một số gia đình chót nhận nhà đang tìm cách bán nhưng khó kiếm được người mua. Người tới đây thuê nhà cũng chỉ sống được một thời gian rồi cũng đi thuê chỗ khác.
Để đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, TP Hà Nội đã xây dựng cơ sở giết mổ Minh Hiền (Ba La, Hà Đông) với diện tích 3.000m2, tuy nhiên 26 hộ kinh doanh giết mổ gia súc tại lò mổ Thịnh Liệt không chịu chuyển hoạt động giết mổ xuống đó. Nguyên nhân được các hộ kinh doanh ở đây cho biết là do lò mổ mới quá nhỏ, chưa bằng một nửa diện tích của lò Thịnh Liệt (diện tích hiện tại đang sử dụng là 150m2/lò, Ba La chỉ 85m2/lò mổ).
Với lý do điểm đến không thuận lợi, 26 hộ kinh doanh giết mổ gia súc gở Thịnh Liệt chưa chịu di dời
26 hộ dân kinh doanh giết mổ gia súc tại lò mổ Thịnh Liệt cũng cho rằng nếu chuyển lò mổ vào thời điểm này các hộ kinh doanh sẽ rơi vào tình cảnh phá sản, vỡ nợ trầm trọng vì không thu hồi được vốn các tiểu thương đang nợ. Hơn nữa, trong năm 2009, các hộ kinh doanh này cùng với HTX Đồng Thịnh đã đóng góp gần 600 triệu để xây dựng hệ thống bể chứa nước sạch, xử lý nước, đến nay hoạt động chưa được 1 năm đã đóng cửa, dẫn đến lãng phí, không thu hồi được vốn.
Ngoài ra các hộ này cũng cho rằng khu vực lò mổ mới quá xa so với vị trí cũ nên số lượng khách hàng quen sẽ không tiếp tục giao dịch; đồng thời sẽ tạo điều kiện cho cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát như Phùng Khoang, cầu An Dương, La Khê, La Cả, Từ Liêm, Ngọc Hồi, Văn Điển… bùng phát. Chi phí vận chuyển cao, gánh nặng giá thành sán phẩm đến tay người tiêu dùng và không cạnh tranh được với các cơ sở khác.
Với các lý do trên, các hộ kinh doanh giết mổ gia súc tại lò mổ Đồng Thịnh kiến nghị xây dựng 1 cơ sở giết mổ ở phía Nam TP (Văn Điển hoặc Ngọc Hồi) với quy mô lớn hơn, rộng hơn, thuận lợi cho các hộ này kinh doanh. Trước khi chấm dứt hoạt động, cần thông báo trước 8 tháng để có thời gian thu tiền nợ tồn đọng của khách hàng.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết, ngày 1/12/2010, lò mổ Thịnh Liệt vẫn phải chấm dứt hoạt động. 26 hộ giết mổ gia súc sẽ được thuê đủ diện tích ở khu B cụm Công nghiệp Bích Hoà, Thanh Oai (trong khu vực nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung) để làm lò mổ. Ngoài ra, 26 hộ này sẽ được TP hỗ trợ kinh phí thuê địa điểm và vận chuyển sản phẩm thịt gia súc từ cơ sở giết mổ tới chợ đầu mối phía Nam và Minh Khai. Sau khi ổn định hoạt động giết mổ cho các hộ giết mổ gia súc phải di dời từ Lò mổ Thịnh Liệt, TP sẽ có cơ chế cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư xây dựng khu buôn bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sau khi giết mổ thuộc 2 chợ đầu mối này. |
Phong Nguyên