1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lo lắng “siêu nghị định” gây khó khăn đầu tư kinh doanh

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đang tạo ra hàng loạt “siêu nghị định” gây khó khăn, phức tạp không chỉ cho cơ quan chủ trì mà cả cơ quan thẩm định.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) đã dẫn chứng: Bộ Công thương gom 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế “sắp xếp” 70 thông tư thành 12 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “nâng cấp” 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực thành 1 nghị định...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: T.K)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: T.K)

Sáng 3/6, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ ngành về tình hình thực xây dựng, ban hành văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

“Nhận diện thế nào là điều kiện kinh doanh?”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đảm bảo thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong thời gian qua các bộ ngành đã tạo ra một “chiến dịch” về xây dựng, ban hành văn bản. Tuy nhiên đến thời điểm này đang còn tới 86 nghị định cần phải ban hành trước ngày 1/7, trong đó có 49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.

Tính đến hết ngày 2/6, Bộ Tư pháp đã nhận và tổ chức thẩm định được 68/86 văn bản để tạo điều kiện cho các bộ, ngành trình Chính phủ; còn 18 văn bản Bộ Tư pháp chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định.

Quá trình soạn thảo các văn bản quan trọng này đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

“Do thiếu thống nhất trong cách hiểu về quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và xác định chưa đầy đủ phạm vi điều chỉnh hoặc nhiều nội dung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn lẫn với quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nâng lên từ thông tư, dẫn đến nhiều dự thảo văn bản không chỉ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh mà còn quy định các vấn đề về việc thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh (sau việc thành lập, sáp nhập, giải thể). Chẳng hạn như Nghị định về điều kiện kinh doanh đóng mới, hoán cải sửa chữa tàu biển hay Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và sát hạch lái xe, Nghị định về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng” - Bộ Tư pháp đánh giá.

Hơn nữa, do yêu cầu về tiến độ, thực hiện quy trình rút gọn nên hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; không đánh giá tổng kết thực tiễn và chưa nghiên cứu các vấn đề cần quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết qua rà soát toàn ngành nông nghiệp có 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 34 thông tư điều chỉnh, theo tinh thần của Luật Đầu tư. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận diện thế nào là điều kiện kinh doanh. “Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau, bên cạnh đó còn có sự chồng lấn giữa các ngành với nhau trong các lĩnh vực phân bón, quan trắc, bảo vệ môi trường”- bà Kim Anh nói.

Đồng tình, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, kết quả rà soát cho thấy có nhiều quy định được coi là điều kiện nhưng thực chất lại là tiêu chuẩn để doanh nghiệp hoạt động khiến “anh em lúng túng”.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - bà Trần Thị Trang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ hơn khái niệm đầu tư kinh doanh, bởi trong ngành y tế điều kiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức y tế đặc tính kỹ thuật không rõ ràng, độc lập với nhau.

Khẳng định “rất lo lắng ở tính khả thi của văn bản, tính thống nhất và tính đồng bộ, thuận tiện cho áp dụng và tính minh bạch”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, tinh thần của Luật Đầu tư là nâng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhưng đồng thời phải đảm bảo thông thoáng, công khai minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian cho người dân.

“Tuy nhiên do sức ép về thời gian nên rất nhiều bộ ngành đã nâng điều kiện kinh doanh theo cơ học chứ không theo tinh thần của luật. Trong đó, trong các tờ trình chưa đưa ra được cái gì thì bỏ, cái gì thì giữ lại. Trong một số ngành lĩnh vực, điều kiện kinh doanh được chuyển từ thông tư lên nghị định nhưng về trình tự thủ tục lại nằm lãng đãng trong các văn bản khác nên khi áp dụng sẽ vô cùng khó khăn” - bà Thoa nói.

Ông Lê Mạnh Hà phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: T.K)
Ông Lê Mạnh Hà phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: T.K)

“Cứ bỏ sót có khi càng tốt cho doanh nghiệp hơn”

Trực tiếp tham gia thẩm định các văn bản do các bộ gửi tới, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) thừa nhận, việc xây dựng các văn bản theo Luật Đầu tư đang tạo ra hàng loạt “siêu nghị định” gây khó khăn, phức tạp không chỉ cho cơ quan chủ trì mà cả cơ quan thẩm định.

Ông Tú dẫn chứng: Bộ Công thương gom 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế “sắp xếp” 70 thông tư thành 12 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “nâng cấp” 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực thành 1 nghị định...

“Do thời gian quá gấp nên các ngành chạy theo lĩnh vực do mình quản lý dẫn đến sự chồng chéo với nhau. Nghị định về đầu tư kinh doanh của Bộ Công thương có đề cập đến điều kiện đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản cũng trùng với nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Không chỉ chồng chéo các bộ ngành, mà trong một bộ ngành cũng có tình trạng này”- ông Tú nhận xét.

Chính vì thế, ông Nguyễn Thanh Tú cảnh báo việc lợi dụng xây dựng các văn bản hướng dẫn theo quy trình rút gọn để “tranh thủ gửi gắm”, lồng ghép lợi ích của mình vào đó.

Ghi nhận những ý kiến thẳng thắn tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ “nhắn nhủ”: “Các văn bản về điều kiện kinh doanh thà bỏ sót chứ không nên có điều kiện xấu, nhầm. Cứ bỏ sót có khi càng tốt cho doanh nghiệp hơn, tất nhiên đối với những vấn đề liên quan đến an toàn sinh mệnh, sức khỏe con người thì phải làm chặt chẽ”.

Ông Hà nhấn mạnh việc giảm điều kiện kinh doanh sẽ giảm tiêu cực, nhũng nhiễu, còn không sẽ lại càng "trói chặt" hơn bằng các nghị định. “Khối lượng công việc nhiều, nhưng phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là phù hợp với tinh thần đổi mới, đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo, khổ cho doanh nghiệp sau này thực hiện.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, nếu thấy các ngành nghề kinh doanh quy định của Luật Đầu tư không phù hợp thực tiễn thì các bộ ngành cần báo cáo gấp để Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi danh mục cho phù hợp.

Ông Long đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn rõ hơn về điều kiện kinh doanh và quy chuẩn giúp các bộ ngành xây dựng văn bản. “Cái nào còn nhập nhằng giữa điều kiện và quy chuẩn, tiêu chuẩn thì coi là tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không đeo vào nghị định, tạo thêm một nấc khổ nữa cho doanh nghiệp”- ông Long đề nghị.

Thế Kha

Lo lắng “siêu nghị định” gây khó khăn đầu tư kinh doanh - 3