Quảng Ninh:
Lộ diện nhiều công trình xây trái phép trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long
(Dân trí) - Một loạt các công trình xây dựng trái phép trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long vừa bị lộ diện khiến dư luận quan ngại Di sản thế giới đang đứng trước nguy cơ bị bê tông hóa. Ban quản lý vịnh thừa nhận đã từng phát hiện, từng lập biên bản xử phạt nhưng không hiểu sao những công trình này vẫn tồn tại, thậm chí đang thi công rầm rộ...
Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đang bị bê tông hóa?
Chỉ mất chừng 15 phút đi xuồng cao tốc, chúng tôi đã tiếp cận được khu vực Hòn Soi Cỏ, một đảo nhỏ vốn được coi là có phong cảnh hữu tình nằm trên vịnh Bái Tử Hạ Long. Cách điểm đến vài chục mét, một bãi tắm nhỏ nhưng khá đẹp dần hiện ra. Trên bãi, một loạt thuyền Kayak xếp ngay ngắn nhưng cạnh đó là một chiếc chòi lợp bằng tôn cùng một số vật dụng nom khá nhếch nhác. Quan sát kỹ thì thấy bãi tắm này được phun cát trắng nhân tạo để tạo thêm bề rộng nhưng không hề có hệ thống phao tiêu, biển báo.
Ngư dân chở thuyền đưa chúng tôi tới khu vực này cho biết, đây chỉ là một mặt của Hòn Soi Cỏ, chủ yếu để phục vụ du khách tắm biển, chèo thuyền Kayak. Còn phía mặt bên kia mới là khu vực du khách đến tham quan hòn đảo.
Quả nhiên, khi chiếc xuồng vòng qua quả núi phía bên kia, chúng tôi đã thấy trước mắt một bến tàu du lịch kiên cố. Bến tàu này dài chừng hơn trăm mét và chạy vòng quanh một nửa quả núi. Phía trên là các bậc thang dẫn lên Hang Cỏ. Sát phía đầu bến có một chiếc chòi bảo vệ nhỏ và thấp thoáng bóng nhân viên thuộc Ban quản lý vịnh.
Những bến tàu được xây kiến cố bằng kè đá thi nhau mọc lên
Theo một ngư dân chuyên đánh bắt gần khu vực thì bến tàu cùng bãi cát trên được một doanh nghiệp có tiếng trong ngành du lịch xây dựng vài năm nay. Cũng theo ngư dân này, tầm chiều, nơi đây rất đông tàu cập bến. Khách có thể lên thăm thú Hang Cỏ hoặc chèo thuyền kayak hay tắm biển tùy ý.
Rời Hòn Soi Cỏ, chúng tôi đến một hòn đảo gần khu vực Hang Thầy, nơi cũng có công trình xây dựng bê tông hóa vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Tiếp cận khu vực này, chúng tôi thấy một bến tàu nhìn còn hoành tráng hơn bến cặp tàu tại Hòn Soi Cỏ với chiều dài khoảng gần 200m, rộng hơn 10m. Bến tàu này cũng được kiên cố hóa bằng bờ kè bê tông và cũng chạy men theo chân núi. Toàn bộ phần bê tông của bến tàu được "cấy" sâu vào chân núi, bậc tam cấp phục vụ việc lên xuống của du khách nằm ngay phía đầu vào khu vực. Tuy nhiên, khác với Hòn Soi Cỏ, bến cặp tàu này dường như đang bị bỏ hoang.
Ngang nhiên phun cát, lập bãi tắm không biển báo, phao tiêu giữa vịnh
Một doanh nghiệp làm du lịch ở Hạ Long cho biết, bến tàu này cũng thuộc về chủ nhân của bến tàu tại Hòn Soi Cỏ. Mục đích của doanh nghiệp khi xây dựng bến cặp tàu xong sẽ tạo đường lên đỉnh núi để du khách có thể đi qua sang phía bên kia tắm biển tại bãi tắm Cây Chanh hoang sơ nhưng rất đẹp. Tuy nhiên không hiểu sao đến nay chưa thấy doanh nghiệp triển khai tiếp các hoạt động.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long không chỉ tồn tại những công trình xây dựng kiên cố, bê tông hóa đã hoàn thiện, thậm chí đã đi vào hoạt động mà còn có cả những công trình vẫn đang được thi công rầm rộ.
Thậm chí tại bến tàu xây dựng trái phép của công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương còn có cả bốt và nhân viên kiểm soát vé của Ban quản lý vịnh
Cụ thể tại khu vực Đền Bà Men có một công trình xây dựng với căn nhà có diện tích hàng trăm mét vuông đã hoàn thiện phần móng, tường cũng đang được xây cao khoảng 1 m. Nơi đây hệt như như một công trường. Gạch, ngói, xi măng và nhiều vật dụng khác chất ngổn ngang. Thời điểm chúng tôi có mặt,việc xây dựng đang diễn ra, công nhân hối hả làm việc.
Chưa có phép đã xây dựng
Tại cuộc làm việc với PV Dân trí sáng 21/5), Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh và lãnh đạo một số phòng ban liên quan cùng thừa nhận, các công trình nêu trên đều xây dựng trong tình trạng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Theo tài liệu từ Ban quản lý vịnh, công trình bê tông kiên cố tại Hòn Soi Cỏ năm 2009 được tỉnh Quảng Ninh đồng ý về chủ trương để Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương nghiên cứu thí điểm sử dụng dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch tại khu vực Hang Cỏ, Hang Thầy (vịnh Bái Tử Long). Tỉnh Quảng Ninh cũng giao Ban quản lý vịnh báo cáo đánh giá, giải trình… phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thí điểm khai thác dịch vụ…
Việc kiên cố hóa bến tàu bằng cách đổ vật liệu xây dựng lấn sâu vào chân núi khiến dư luận quan ngại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đang có nguy cơ bị bê tông hóa
Điều đáng nói, dù dự án mới chỉ dừng ở bước đồng ý về chủ trương thì những công trình kiên cố đó đã mọc nhanh như nấm, đi vào hoạt động từ lâu.
Ông Phạm Đình Huỳnh cho biết, Hòn Soi Cỏ là điểm tham quan du lịch nằm trong qui hoạch, công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương là doanh nghiệp thực hiện dự án sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long tuyến 4. Tuy nhiên ông Huỳnh cũng thừa nhận, hiện chưa có ai đồng ý và thực hiện các thủ tục cho phép xây dựng công trình. Năm 2016, Ban quản lý vịnh cũng đã từng lập biên bản, chuyển UBND thành phố xử lý hành vi xây dựng trái phép.
Công trình đang được thi công tại khu vực Đền Bà Men cũng được Ban quản lý vịnh xác nhận là chưa được cơ quan quản lý cho phép
Tương tự, với công trình xây dựng bến tàu trái phép gần khu vực Hang Thầy cũng do Công ty cổ phần Du thuyền Đông Dương thực hiện, ông Lê Trọng Việt - Đội trưởng Đội Kiểm tra Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng xác nhận, đơn vị đã từng lập biên bản xử lý vi phạm vào năm các năm 2016, 2018. Tại thời điểm phát hiện, Ban đã dừng không cho thi công nhưng bến cặp tàu này đã gần hoàn thành. Cũng theo ông Việt, đối với công trình này thành phố Hạ Long cũng từng có một số quyết định xử lý, yêu cầu khắc phục hậu quả.
Về công trình xây dựng Đền Bà Men, ông Nguyễn Bá Căn - Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn 2 lý giải, đây là công trình dân gian, gốc tích là của ngư dân, phục vụ tín ngưỡng cho ngư dân. Thời gian qua, Đền có hiện tượng xuống cấp, dột nát, từng bị đổ tường vào người ngư dân…gây nguy hiểm nên phải tiến hành tu sửa, tôn tạo… nhưng vẫn triển khai trên nền di tích cũ.
Còn theo ông Phạm Đình Huỳnh, với công trình này, Phòng Văn Hóa thành phố còn đang nghiên cứu, xem xét lập hồ sơ. Ông Huỳnh một lần nữa thừa nhận, đến nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cho phép sửa chữa, tôn tạo công trình.
An Nhiên