1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lộ diện 3 công ty dùng axit, chất tẩy rửa vệ sinh để... sản xuất nước mắm

(Dân trí) - Các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT và Bộ Công an phát hiện, xử lý 3 công ty sử dụng hóa chất sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm.

Chiều 13/1, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT chính thức cung cấp danh tính 3 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm không đúng quy định, gồm: Công ty TNHH MTV Điều Hương (Địa chỉ: Ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (Địa chỉ: Số 47 Trần Phú, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (Địa chỉ: Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).

Các đơn vị này đã vi phạm vào 2 hành vi: Sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không đúng quy định - soda công nghiệp (Na2CO3) là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Lộ diện 3 công ty dùng axit, chất tẩy rửa vệ sinh để... sản xuất nước mắm - 1

Một mẫu nước mắm được Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện vi phạm vệ sinh ATTP.

Lộ diện 3 công ty dùng axit, chất tẩy rửa vệ sinh để... sản xuất nước mắm - 2

Mẫu kết quả kiểm nghiệm nước mắm có chứa chất tẩy rửa bồn cầu.

Vụ việc được Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công an, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Thanh tra Sở NN&PTNT tại 3 địa phương Vĩnh Long, An Giang, TP. Hồ Chí Minh thực hiện từ giữa năm 2019.

Theo đó, nhận được thông tin từ cơ sở báo về, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm: Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Công an và Thanh tra các Sở NN&PTNT tại Vĩnh Long, An Giang, TP Hồ Chí Minh.

“Khi chúng tôi đồng loạt ra quân tại các cơ sở này, tất cả các hành vi vi phạm đã được ghi nhận, lập văn bản và công nhận” – ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.

Khi có kết quả, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chuyển hồ sơ để các cơ quan chức năng của Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.

Cơ quan Công an đã yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp để xác minh thêm, lấy mẫu thêm trên thị trường. Trên cơ sở mẫu, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chuyển đến Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả, toàn bộ chất cấm, kim loại nặng đều dưới ngưỡng cho phép. Trên cơ sở đó, cơ quan công an đã yêu cầu Thanh tra Bộ xử lý nghiêm khắc về mặt hành chính.

“Cuộc thanh tra này chúng tôi làm hết sức quyết liệt trên cơ sở phối hợp với các lực lượng, lần đầu tiên chúng tôi thành lập một đoàn thanh tra trên 30 người cùng một lúc đồng loạt kiểm tra 9 điểm. Trên cơ sở đó, những hoạt động của các cơ sở sản xuất này họ không trao đổi với nhau. Đặc biệt, về việc xử phạt hành chính cũng là lần đầu tiên chúng tôi ra quyết định xử phạt tới 782 triệu đồng” – ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Cùng với phạt tiền ở mức "kỷ lục", Thanh tra Bộ buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến ra còn nằm lại tại xưởng. Các đơn vị này đã cam kết thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước và đã chuyển đổi mục đích sản phẩm đã làm ra chuyển chế biến thành thức ăn chăn nuôi dưới sự giám sát của Thanh tra Bộ NN&PTNT và của Thanh tra các Sở NN&PTNT.

Nguyễn Dương