1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Lo "chết mòn" với tàn dư thuốc trừ sâu

(Dân trí) - Theo thống kê của UBND xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), từ năm 2004-2009, chỉ riêng khu vực xưởng chế thuốc trừ sâu của Nhà máy Photphat 3/2 cũ (Nhà máy thuốc BVTV Nghệ An) đã có 7 người chết vì ung thư. Những cái chết dồn dập khiến người dân hoang mang.

Lo "chết mòn" với tàn dư thuốc trừ sâu - 1

Khu vực xưởng bào chế thuốc DDT 666 đã được xây bờ bao và trồng cỏ giải độc

Chưa hết buồn đau về cái chết của chồng thì 6 tháng sau, người anh chồng cũng mất vì ung thư, khiến bà Nguyễn Thị Nhật hết sức sợ hãi. Bà tâm sự: "Mẹ chồng tôi chết vì ung thư gan, kế đến là em gái chồng chết vì ung thư ruột. Tháng 2/2007 chồng tôi cũng ra đi vì ung thư gan. Đến tháng 8/2007 đến lượt anh chồng. Hiện giờ cô em chồng cũng đang phải gánh chịu căn bệnh tương tự". Theo bà Nhật phán đoán, nguyên nhân dẫn đến cái chết của những người thân trong gia đình bà là do sử dụng chung nguồn nước ngầm bị nhiễm độc tồn dư thuốc trừ sâu DDT 666.

Xưởng thuốc trừ sâu này thuộc Nhà máy Photphat 3/2 cũ, nằm ở xóm Mậu 2 thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Người dân nơi đây cho rằng những cái chết vì căn bệnh ung thư nan y ở đây có liên quan trực tiếp tới kho thuốc này.
 
Chị Phan Thị Cảnh, một người dân sống trong khu vực Nhà máy Photphat 3/2 cũ, cho biết: "Người chết và bị bệnh về mắt nhiều lắm. Hiện nay nhiều người trong xóm đang mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tá tràng, dạ dày. Có nhà cả hai vợ chồng đều bị như nhà ông Xuyên, ông Thiện, ông Đồng...".

Chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Trọng Xuyên. Ông Xuyên bị bệnh hen phế quản đã nhiều năm nay. Khó nhọc lắm ông mới nói được một câu cho tròn bởi cứ phải dừng lại để lấy sức mà ho: "Mỗi khi thay đổi thời tiết, mùi thuốc sâu xộc lên nồng nặc thở không nổi. Hít phải nhiều thuốc sâu quá đàn bà trong làng đều mắc chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nhất là khi nắng lâu ngày rồi mưa rào. Những lúc đó chỉ còn cách dùng khăn bịt mũi, đóng kín các cửa lại nhưng cũng không bớt được mùi".

Bên cạnh phải hít mùi thuốc sâu, người dân nơi dây hiện đang sống chung với nỗi lo lắng thường trực là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng. Nước có màu vàng, mùi khó chịu, để lâu thường có váng như váng dầu. Các hộ dân này phải sử dụng một hệ thống lọc nước thủ công để lấy nước sử dụng.

Lo "chết mòn" với tàn dư thuốc trừ sâu - 2

Một bể lọc than hoạt tính đã được xây dựng để hạn chế khả năng thẩm thấu dư lượng thuốc trừ sâu vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp mang tính trước mắt

Theo ông Nguyễn Văn Kiên (quê Thanh Chương), nguyên là cán bộ vật tư của Nhà máy Photphat 3/2, vào thời điểm năm 1965 khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhiều kho tàng, nhà máy của ta bị ném bom hư hại nặng nề, trong đó có Nhà máy Photphat 3/2. Để đảm bảo an toàn sản xuất và có đủ lượng thuốc trừ sâu phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, Nhà máy đã được di dời về xóm Mậu 2 để vừa sản xuất vừa bảo vệ thiết bị máy móc. "Để phục vụ sản xuất, một lượng lớn thuốc trừ sâu DDT 666 nguyên chất đã được nhập về đây và chôn dưới lòng đất rồi lấy dần ra để tiến hành pha chế thuốc trừ sâu. Hồi đó máy bay ném bom ác liệt lắm, nhiều khi số thuốc pha chế xong chưa kịp đưa đi tiêu thụ thì bị máy bay địch ập đến ném bom. Để bảo vệ thuốc, công nhân xưởng bào chế đã đào những chiếc hầm, kho ngầm dưới đất rồi cất thuốc xuống đó", ông Kiên nhớ lại.
Năm 1968, nhà máy được chuyển lên huyện Đô Lương (Nghệ An) - địa điểm an toàn hơn. Tuy nhiên tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại tại các hầm chứa, từ nền xưởng bào chế thuốc đã ngấm xuống đất và ngấm vào nguồn nước ngầm của hàng chục hộ dân nơi đây.

Theo thống kê của UBND xã Kim Liên, khu đất nhà máy được xác định là gần 3.000m2. Hiện tại đã có 19 hộ dân sinh sống trên khu vực này, trong đó có một hộ sinh sống trực tiếp trên nền cũ của nhà máy đã được di dời tái định cư.

Cuối năm 2008, Sở Tài nguyên - Môi trường Nghệ An đã tiến hành khoan thăm dò lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm tra và tiến hành xây bờ bao khu vực nhà máy. Bên cạnh xây bờ bao bê tông để ngăn chặn sự thẩm thấu của thuốc ra môi trường xung quanh, Sở còn tiến hành trồng cỏ Vectevơ trên nền đất để xử lý thuốc. Một hệ thống ống ngầm để dẫn nước từ nền cũ của xưởng bào chế thuốc ra bể lọc than hoạt tính ở cánh đồng trước làng đã được xây dựng nhằm hạn chế khả năng thẩm thấu chất độc xuống nguồn nước ngầm.

Lo "chết mòn" với tàn dư thuốc trừ sâu - 3
Nhiều hộ dân phải xây dựng bể dựng nước mưa để hạn chế tác động của nguồn nước ngầm bị nhiễm độc

Tuy nhiên theo ông Chu Thế Huyền - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường kiêm Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An thì đây chỉ là biện pháp trước mắt, chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây nên.

Ông Huyền cho biết: Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm này chỉ còn cách khoan thăm dò xác định khu vực ảnh hưởng rồi múc hết số đất đó lên trộn với hóa chất chuyên dụng để trung hòa chất độc. Nhưng biện pháp này hết sức tốn kém và nằm ngoài khả năng thực hiện của Tỉnh mà phải nhờ đến Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các chuyên gia nước ngoài.

Tháng 10/2010, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường - Tổng Cục Môi trường đã chọn địa điểm xóm Mậu 2 để thực hiện dự án "Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất Bảo vệ thực vật POP tồn lưu ở Việt Nam". Dự kiến dự án sẽ thực hiện vào quý I và quý II năm nay.

Ông Hoàng Thế Lực - cán bộ phụ trách môi trường xã Kim Liên thì cho rằng: "Ô nhiễm nguồn nước do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại xóm Mậu 2 phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết. Biện pháp tối ưu nhất là di dời toàn bộ các hộ dân sinh sống trong khu vực để tiến hành xử lý. Nhưng việc làm này vượt quá khả năng của xã, của huyện. Hiện tại chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc thống kê số hộ bị ảnh hưởng và số người đã chết vì trọng bệnh ở khu vực này gửi lên các cơ quan chức năng và chờ thôi".

Lo "chết mòn" với tàn dư thuốc trừ sâu - 4
Ông Phan Trọng Xuyên: "Chỉ mong Nhà nước cho cái dự án nước sạch..."

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng giải quyết thì 19 hộ dân với gần 100 con người đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường và nguồn nước nhiễm độc. "Chúng tôi già rồi, cũng không sống được mấy hơi nữa. Chỉ mong Nhà nước cho cái dự án nước sạch về đây cho bọn trẻ không phải đối diện với cái chết dần chết mòn", ông Phan Trọng Xuyên than thở.

Hoàng Lam - Nguyễn Duy